Quảng Ninh: Sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý giúp vùng DTTS giảm nghèo bền vững

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:46, 19/09/2022

(TN&MT) - Những năm qua, công tác tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên khoáng sản cho cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi luôn được tỉnh Quảng Ninh chú trọng. Đây là tiền đề để bà con vùng DTTS bảo vệ tài nguyên khoáng sản và mạnh dạn nhận đất rừng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Quan tâm đời sống người dân ở vùng khai thác khoáng sản

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhất là việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh than ở vùng đồng bào DTTS địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Về cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra các điểm nóng về khai thác than trái phép trên địa bàn.

Cách đây hơn 5 năm về trước, xã vùng cao Tân Dân (thuộc huyện Hoành Bồ cũ) nay sáp nhập về TP.Hạ Long vốn là “điểm nóng” về tình trạng khai thác than trái phép, nhiều hộ dân lợi dụng đào bới than ngay trong vườn đồi, đất rừng được giao quyền sử dụng, gây thất thoát tài nguyên và mất an ninh trật tự trên địa bàn.

anh-qn-01.jpg
Những vạt đồi trước đây bị đào bới nham nhở để lấy than trái phép đã được phủ xanh bởi những cánh rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao tại xã Tân Dân, TP.Hạ Long

Xã Tân Dân có diện tích tự nhiên rộng trên 7.527 ha, với hơn 6.924 ha đất lâm nghiệp và đất rừng phòng hộ, trên 92% là người dân tộc Dao. Do địa hình rộng, đồi núi hiểm trở, giáp ranh với nhiều địa phương, trong khi một bộ phận người dân ở địa phương đời sống khó khăn, không có nghề ổn định cho cuộc sống nên đã coi việc khai thác khoáng sản là nghề mưu sinh kiếm sống. Đây có thể nói là vấn đề mấu chốt dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ nguồn khoáng sản than trên địa bàn hết sức khó khăn, phức tạp.

Thôn Bằng Anh, xã Tân Dân nhiều năm về trước có hàng chục hộ trong thôn tham gia đào bới than trái phép, đồi núi bị đào nham nhở, cây rừng bị chặt phá. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, mấy năm trở lại đây việc đào bới than đã chấm dứt. Thay vào đó, nhiều hộ trong thôn đã biết phát huy lợi thế điều kiện tự nhiên phù hợp để cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt. Nhiều hộ trong thôn trở nên khá giả nhờ trồng vườn cây ba kích tím, cây thuốc nam, tiêu biểu như các hộ: Triệu Đức Minh, Triệu Đức Hiến. Qua đó góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập, giúp bà con DTTS vươn lên thoát nghèo.

anh-qn-06.jpg
Mô hình trồng nho phát triển kinh tế, cho thu nhập ổn định của gia đình ông Triệu Văn Chính, xã Tân Dân, TP.Hạ Long đang được địa phương nhân rộng

Trao đổi với PV, Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân Phạm Văn Sáu cho biết, những năm qua, xã Tân Dân tích cực tuyên truyền, vận động bà con DTTS thông qua các cuộc họp tại xã, thôn, xóm, những người uy tín trong dòng họ ký cam kết với từng hộ dân không đào bới than, sử dụng tiết kiệm, hợp lý khoáng sản than, đá, sỏi. Đồng thời, vận động bà con phát triển sản xuất, trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu kết hợp chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây, trên địa bàn xã không xảy ra tình trạng đào bới than, đời sống bà con DTTS ngày càng được nâng lên, xã không còn hộ nghèo.

Tuy nhiên, Quảng Ninh là địa phương có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản, nhà máy xi măng, nhiệt điện trên địa bàn, vì vậy môi trường không khí khu vực nông thôn tiếp giáp các cơ sở trên nằm trên địa bàn TP.Hạ Long và TP.Cẩm Phả đã phần nào bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và môi trường sống của người dân và vùng đồng bào DTTS tại các huyện giáp ranh.

Vì vậy, để giải bài toán về việc sử dụng hợp lý tài nguyên vùng đồng bào DTTS cần quan tâm đào tạo nghề phù hợp với từng đối tượng nông dân, nhất là bà con DTTS ở các huyện miền núi thông qua các lớp đào tạo nghề nâng cao, đào tạo nghề cơ bản, đặc biệt chú trọng tới những hộ dân bị thu hồi đất do GPMB, người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời có những cơ chế, chính sách hỗ trợ bà con nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đảm bảo ổn định cuộc sống, giúp đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo.

Đảm bảo quyền lợi người dân nơi có khoáng sản khai thác

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, trong đó nổi bật là Nghị quyết 16 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn”.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 16 đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong các hoạt động liên quan đến khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, về cơ bản đã kiểm soát tốt tình hình, không để xảy ra điểm nóng về khai thác than trái phép, quản lý chặt chẽ về đất đai, nhất là đất rừng, đất sản xuất lâm nghiệp giao cho các hộ dân, bà con vùng DTTS ở các địa phương có nhiều khoáng sản than như: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả.

anh-qn-02.jpg
Những vườn ổi xen lẫn cánh rừng keo đem lại cuộc sống no đủ với nhiều hộ dân ở xã Sơn Dương, TP.Hạ Long 

Để khắc phục những hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản tới miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cho người dân nông thôn và đồng bào các DTTS. Trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bảo vệ tài nguyên khoáng sản, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên khoáng sản phù hợp với tiềm năng, thế mạnh phát triển và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Trao đổi với PV, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh Ngọc Thái Hoàng cho biết, cùng với việc giúp cho người dân nông thôn, đồng bào các DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường, thì cần có chính sách hỗ trợ để đảm bảo đời sống của bà con, nhất là tại các vùng có khoáng sản khai thác. Bởi trong quá trình khai thác sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến việc canh tác, môi trường sống của người dân, nhất là bà con vùng DTTS vốn vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

anh-qn-04.jpg
Nhờ được tuyên truyền, vận động, bà con dân tộc thiểu số tại xã Thượng Yên Công, TP.Uông Bí không tham gia đào bới than trái phép, tích cực trồng rừng, trồng lúa vươn lên thoát nghèo bền vững

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã huy động nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nông thôn và đồng bào các DTTS miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo về tài nguyên khoáng sản. Thông qua đó, giúp bà con vùng DTTS nâng cao hiểu biết pháp luật, tự mình bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình về tài nguyên khoáng sản.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt để giải bài toán trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản vùng đồng bào DTTS vẫn cần có những giải pháp căn cơ, hữu hiệu nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống, giúp bà con vùng DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gần đây nhất, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng -an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021- 225, định hướng đến năm 2030”. Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển KT-XH nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Nhằm đưa Nghị quyết 06 đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa sâu rộng, tác động trực tiếp tới đồng bào DTTS, tỉnh Quảng Ninh đã dành trên 4.200 tỷ đồng ngân sách nhà nước các cấp để thực hiện chương trình với hơn 162.000 đối tượng được thụ hưởng.

Phạm Hoạch