Sơn La: Tập huấn, tuyên truyền công tác quản lý chất thải rắn cho hơn 200 đại biểu
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 15:55, 29/09/2022
Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có nhiều điểm mới rất quan trọng, đặc biệt là công tác quản lý chất thải rắn, đã quy định cụ thể các yêu cầu về quản lý chất thải; giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; quy định phân loại, lưu giữ, chuyển giao, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt và các quy định về quản lý các chất thải khác như: chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại, bụi, khí thải…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên Sở TN&MT phổ biến các quy định chung về quản lý chất thải (chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý bụi, khí thải và các chất gây ô nhiễm môi trường khác); trách nhiệm của UBND các cấp về quản lý chất thải; quy định về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm chất thải nhựa; một số nội dung liên quan đến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tiếp đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi, giải đáp những vướng mắc về những quy định mới, xử lý những tình huống cụ thể trong thực hiện triển khai các quy định về bảo vệ môi trường.
Thông qua hoạt động tuyên truyền, nhằm phổ biến đến các cán bộ làm công tác môi trường tại các sở, ban, ngành, Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La, UBND các huyện, thành phố, UBND các phường xã, phường, thị trấn những nội dung quản lý chất thải rắn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, qua đó nhận thức một cách đầy đủ, đúng quy định pháp luật trước khi áp dụng và triển khai vào thực tế tại địa phương, tạo chuyển biến trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Thị Thu Hằng đã đề nghị, các đại biểu sẽ vận dụng những kiến thức tiếp thu được để tham mưu có hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị mình, góp phần chung tay bảo vệ môi trường bền vững.
Đồng thời, đề nghị UBND cấp huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, trong thời gian tới, tăng cường thẩm định thực hiện các thủ tục về cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường theo thẩm quyền, đặc biệt chú trọng các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh nhiều chất thải rắn như chăn nuôi, chế biến nông sản... yêu cầu các cơ sở đầu tư hệ thống thu gom, xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường; ưu tiên phát triển các dự án, cơ sở theo mô hình kinh tế tuần hoàn – giảm khai thác nguyên vật liệu, hạn chế phát thải và giảm tác động xấu đến môi trường.
Tăng cường thanh, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các vi phạm. Theo dõi, giám sát, cảnh báo, quản lý chất lượng môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn theo thẩm quyền. Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho cơ sở thu gom, vận chuyển hoặc đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Đề nghị Công ty Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La ban hành quy định xác định rõ thời gian, địa điểm, tần suất, tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt để nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom. Chú trọng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, phương tiện thu gom đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT trong việc thống kê, thực hiện các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn ở nông thôn được thu gom; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom, xử lý đảm bảo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.