Đầm Hà- Quảng Ninh: Phát huy lợi thế đất đai, giúp người dân giảm nghèo bền vững

Đất đai - Ngày đăng : 23:16, 28/09/2022

(TN&MT) -Thời gian qua, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều chính sách dân tộc, Đề án 196, chương trình xây dựng NTM, tích cực dồn điền đổi thửa tạo quỹ đất để sản xuất hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi.

Trong những năm qua, huyện Đầm Hà đẩy mạnh việc lồng ghép tích hợp đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án gắn với vận động xã hội hóa nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực giúp đỡ, hỗ trợ  các mô hình phát triển sản xuất đối, tạo ra quỹ đất để người dân, nhất là bà con vùng DTTS các xã, thôn, bản còn khó khăn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo. 

anh-dh-03.jpg
Người dân xã Quảng Lâm thu hoạch vỏ quế- loại cây cho giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo

Cùng với đó, huyện Đầm Hà chỉ đạo các xã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích vườn tạp khu vực đồi thấp sang trồng cây ăn quả, nâng diện tích cây ăn quả toàn huyện lên 500ha. Đồng thời, chuyển đổi và trồng mới để phát triển rừng gỗ lớn bằng các loài cây lim, giổi, lát bản địa đạt gần 18ha, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng nhân rộng mô hình trang trại, gia trại, nâng tổng số đàn gia súc, gia cầm của huyện đạt gần 430 nghìn con.

Xã vùng cao Quảng Lâm, huyện Đầm Hà có diện tích rộng tới gần 9.000 ha, có 6 bản, với 740 hộ, hơn 3.200 nhân khẩu, với 9 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chiếm 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy lợi thế đất rừng rộng, những năm qua chính quyền xã Quảng lâm đã tích cực vận động bà con DTTS phát triển sản xuất lâm nghiệp, gắn với trồng rừng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất vươn lên làm giàu ngay trên quê hương. 

Điển hình như gia đình ông Chíu Sáng Phát, bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm, từ một hộ nghèo, nhờ nỗ lực vươn lên trong sản xuất đã trở thành hộ khá giả trong xã. Ông Chíu Sáng Phát chia sẻ, trước đây hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhờ chính quyền xã vận động gia đình chuyển cải tạo đồi trồng keo và một số cây cho giá trị thấp sang cây quế. Với hơn 3ha cây quế hiện đang cho thu hoạch, trung bình mỗi năm cho thu nhập hơn 300 triệu. Nhờ vậy, gia đình xây nhà mới khang trang, cuộc sống khá giả, không còn nghèo khó như trước đây.

Nhờ cấp ủy, chính quyền xã Quảng Lâm, nhất là các cấp hội nông dân luôn tạo điều kiện, đồng hành, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như vay tín chấp lãi suất thấp từ Quỹ hỗ trợ nông dân và được tham gia các lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt đã giúp tôi thêm mạnh dạn đầu tư vào sản xuất và đã thành công, cuộc sống gia đình trở lên khá giả- Ông Chìu Sáng Phát cho biết thêm.

anh-dh-01.jpg
Anh Lưu Văn Bình tại xã Tân Bình vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gà thương phẩm 

Hay như gia đình anh Lưu Văn Bình là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu ở thôn Tân Tiến, xã Tân Bình, huyện Đầm Hà cho biết, năm 2016, tận dụng diện tích vườn đồi của gia đình đã nuôi thả 300 con gà thương phẩm, với không ít lần thất bại, đến nay anh đã phát triển đàn gà lên gần 7.000 con, gồm cả giống gà hồ Bắc Giang và gà bản Đầm Hà. Trung bình mỗi lứa gà xuất bán cho doanh thu hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận gần 700 triệu đồng/năm.

Nhờ thực hiện linh hoạt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế được triển khai có hiệu quả đã trở thành động lực cho mục tiêu giảm nghèo bền vững của huyện Đầm Hà. Thông qua đó, người dân không chỉ nhận hỗ trợ một cách thụ động, mà đã chủ động, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

anh-dh-02.jpg
Diện mạo nông thôn xã nông thôn mới Quảng Lâm ngày càng xanh, sạch đẹp 

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Đầm Hà cho biết, những năm qua, huyện triển khai hiệu quả các nguồn hỗ trợ từ Trung ương, Tỉnh và các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp và đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tại vùng đồng bào DTTS, công tác trợ giúp sẽ linh hoạt bằng cách tư vấn, tạo việc làm, cho vay vốn ưu đãi, ưu tiên các mô hình tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp, nhằm khuyến khích các hộ nhỏ lẻ tích cực liên kết sản xuất theo chuỗi, nhằm tăng giá trị các sản phẩm trên diện tích đất canh tác của người dân. Số hộ nghèo toàn huyện hiện chỉ còn 35 hộ, bằng 0,32%.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Đầm Hà tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo, người nghèo tự phấn đấu vươn lên thoát nghèo gắn với việc giúp đỡ hộ nghèo có địa chỉ của các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời khuyến khích các hộ dân, nhất là bà con DTTS mạnh dạn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương mình.

Phạm Hoạch