Lai Châu: Thúc đẩy phát triển cây dược liệu

Môi trường - Ngày đăng : 10:25, 28/09/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, tỉnh Lai Châu xác định phát triển dược liệu là hướng đi phù hợp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, khai thác tiềm năng thế mạnh từng vùng, đảm bảo thêm thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là người dân ở các xã biên giới, nơi có điều kiện thuận lợi và có tỷ lệ che phủ rừng lớn.

Lai Châu được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại như: sâm Lai Châu, lan kim tuyến, bảy lá một hoa, đẳng sâm, hà thủ ô đỏ… Các loại dược liệu phát triển tập trung đang được khai thác với trữ lượng lớn như thảo quả, sơn tra…Những năm qua tỉnh Lai Châu đang tích cực bảo tồn, phát triển các loại dược liệu quý, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư bao tiêu sản phẩm cho bà con.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cho biết: Theo mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ trồng mới 900ha cây dược liệu, xây dựng 5 cơ sở nhà máy chế biến và sản xuất giống, xây dựng thương hiệu từ 1-2 sản phẩm dược liệu của tỉnh. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa đối với các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, sinh thái của tỉnh. Các hộ tham gia trồng phải thực hiện đăng ký với chính quyền địa phương và hợp với quy hoạch vùng theo định hướng của tỉnh sẽ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

a1.jpg
Sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực của tỉnh.

Cùng với đó, để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp hiểu và nắm được các chính sách hỗ trợ trồng, chăm sóc dược liệu trên địa bàn tỉnh đã giao cho cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch phát triển vùng dược liệu theo đúng quy hoạch và định hướng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về việc phát triển dược liệu cũng như các chính sách hỗ trợ; từ đó thu hút tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện trồng, phát triển cây dược liệu, nhất là các loại dược liệu quý có giá trị kinh tế cao.

Ngoài ra, các địa phương, doanh nghiệp cũng đang tích cực vận động người dân tập trung bảo tồn và phát triển dược liệu quý đang có nguy cơ tuyệt chủng như: sâm Lai Châu. Đến nay, tỉnh có 3,68ha diện tích trồng sâm. Để bảo tồn và đưa sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực, tỉnh đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu về sâm Lai Châu cấp tỉnh và 1 đề tài cấp bộ. Tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị liên quan đến trồng và mở rộng diện tích dược liệu; giúp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có thêm thông tin về cây sâm Lai Châu nói riêng và cây dược liệu nói chung.

Với quan điểm hỗ trợ phát triển cây dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen quý, làm cơ sở thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển dược liệu theo hướng tập trung hàng hóa, tạo ra sản phẩm dược liệu quý mang thương hiệu Lai Châu, người dân có thu nhập cao. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tích cực, chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ trồng dược liệu; lồng ghép các chính sách để hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn Nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc và sơ chế dược liệu.

a2.jpg

Mô hình trồng Sâm ở Lai Châu.

Đến nay, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu. Điển hình Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, hỗ trợ phát triển 10ha các loại sâm Lai Châu, bảy lá một hoa và lan kim tuyến với việc hỗ trợ một lần 50% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thu hút đầu tư xây dựng 2 cơ sở sản xuất giống; 1 cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi liên kết. Phấn đấu 3 nhãn hiệu có giấy chứng nhận dược liệu trở lên. Tập trung phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Hoàng Châu