Giải bài toán xử lý nước thải nông thôn ở Quảng Ninh

Môi trường - Ngày đăng : 10:25, 28/09/2022

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Ninh ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, để giữ vững kết quả đạt được, nhất là tiêu chí môi trường, trong đó việc xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều khó khăn thì cần có những giải pháp hiệu quả, đồng bộ và bền vững.

Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thải

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh, nhất là sự tham gia của người dân trong hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện. Trong đó, công tác giữ gìn cảnh quan môi trường luôn được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, vì vậy môi trường khu vực nông thôn đã chuyển biến rõ nét.

anh-qn-01.jpg
Rác thải vứt đầy mương dẫn nước thủy lợi đoạn qua xã Sông Khoai, TX.Quảng Yên, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước

Tuy nhiên thực tế cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường từ nước thải sinh hoạt, chất thải trong chăn nuôi của khu vực nông thôn kết hợp với rác thải, nước thải đô thị tạo thành những điểm ô nhiễm, gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo kết quả quan trắc môi trường nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh với 82 điểm quan trắc nước mặt phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt, trong đó có 61 điểm thuộc khu vực nông thôn, đa số các thông số vẫn còn trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, vẫn còn có một số chỉ số vượt ngưỡng như: Clorua, COD, TSS, DO, BOD...

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay nước thải nông thôn phát sinh từ hoạt động dân sinh và sản xuất trên địa bàn tỉnh, nhất là ở các huyện miền núi còn phân tán, chưa có biện pháp thu gom triệt để. Trong công tác quản lý nước thải, Tỉnh phân cấp trách nhiệm quản lý của các cơ quan chuyên môn và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, xã về nước thải nông thôn. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn, đặc biệt là đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

anh-qn-02.jpg
Rác thải sinh hoạt đổ tràn xuống hồ nước tại xã Lê Lợi, TP.Hạ Long gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường sống của người dân địa phương

Hiện nay, nước thải sinh hoạt của người dân phát sinh tại khu vực nông thôn chủ yếu được xử lý bằng hầm tự hoại 3 ngăn tại các hộ gia đình người dân sinh sống. Ðối với nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ khu vực nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh hướng dẫn một số chủ cơ sở lập phương án bảo vệ môi trường và quan trắc môi trường tự lưu và thực hiện tại cơ sở. Còn ở những vùng nuôi thủy sản tương đối lớn, lượng nước thải này cũng được chủ dự án quản lý, xử lý nước thải ao, đầm nuôi theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.

Cần có giải pháp đồng bộ

Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ gia đình xử lý nước thải sinh hoạt bằng bể tự hoại trước khi thải ra khu vực thoát nước chung của khu vực. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình xử lý nước thải tập trung tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu vực chợ, trung tâm thương mại. Bằng cách sử dụng các biện pháp xử lý phù hợp, bao gồm: Bể tự hoại, bể lọc kỵ khí có vách ngăn, bể tự hoại cải tiến có vách ngăn và ngăn lọc kỵ khí dùng hướng lên, hồ kỵ khí, hồ hiếu khí, hồ ổn định, bãi lọc trồng cây.

anh-qn-03.jpg
Cán bộ xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà tuyên truyền người dân đổ rác đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ nguồn nước và cảnh quan môi trường

Tuy nhiên, với khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (bao gồm cả đô thị và nông thôn) phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh khoảng 1.247 tấn/ngày (khoảng 455.301 tấn/năm). Trong đó, ở khu vực nông thôn 259,4 tấn/ngày (chiếm 20,8% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn tỉnh), tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tương ứng khoảng 1.133,9 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom trung bình đạt 90,9%.

Với một khối lượng lớn rác thải như vậy, trong khi việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện đồng bộ, sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, cũng như nguồn nước thải, nhất là ở các huyện nông thôn.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Như Hạnh, để nâng cao hiệu quả công tác thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ tổ chức quản lý, chính sách hỗ trợ và giải pháp công nghệ phù hợp, xây dựng các mô hình phù hợp hiệu quả và phổ biến nhân rộng. Trong đó, đối với chăn nuôi cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để thu gom cơ bản chất thải rắn trước khi đưa vào hệ thống hầm khí sinh học (biogas), sau đó tiếp tục qua một hệ thống hồ lắng, hồ sinh học để lọc sạch nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra môi trường.

Đối với rác thải sinh hoạt phải được phân loại từ đầu nguồn và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ công cụ, thiết bị thu gom, phân loại cho các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng. Đồng thời hỗ trợ các thiết bị, tiến bộ kỹ thuật mới để xử lý nước thải vệ sinh, nước thải sinh hoạt từ nhà bếp, tắm, giặt trước khi xả thải ra môi trường.

anh-qn-04.jpg
Cần tăng cường công tác tuyên truyền để bà con nông dân bỏ rác đúng nơi quy định, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn nước tại các vùng nông thôn (Trong ảnh: Người dân xã Hiệp Hòa, TX.Quảng Yên bỏ rác vào bể chứa rác tại cánh đồng trồng lúa) 

Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà chia sẻ, từ thực tế của một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, do đó để đảm bảo hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường nguồn nước, cần có các giải pháp thiết thực để nâng cao hiệu quả quản lý nước thải tại khu vực nông thôn. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý môi trường đặc biệt là những chủ trương, chính sách cụ thể phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, điều chỉnh, hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là tiêu chí về môi trường để phù hợp với tình hình thực tế.

Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đồng thời, xây dựng các khu, cụm dân cư nông thôn sinh thái, tăng tỷ lệ cây xanh trên một đơn vị diện tích khu dân cư nông thôn.

Hiện, toàn tỉnh Quảng Ninh có 41.092 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 26 doanh nghiệp, 24 hợp tác xã và 240/1.244 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại (trong đó có 28 cơ sở được cấp chứng nhận Vietgap, 15 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh), 259 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 20-50 con, 340 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô trên 50 con, 61 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô trên 2.000 con và 39.848 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Đến nay, 100% các trang trại đều có công trình xử lý chất thải, không có trang trại xả thẳng chất thải ra môi trường và đều có báo cáo đánh giá tác động hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường

Phạm Hoạch