Thừa Thiên – Huế gấp rút sơ tán người già, cấm dân ra đường từ tối 27/9
Môi trường - Ngày đăng : 19:42, 27/09/2022
Từ sáng 27/9, các huyện, thị xã và thành phố ở Thừa Thiên - Huế đã tiến hành rà soát phương án sơ tán, di dời các hộ dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bão, lũ lụt, nước dâng do bão đến nơi an toàn. Theo đó, có 14.384 hộ dân với 47.411 khẩu nằm trong diện di dời đến các điểm di dời tập trung và các nhà kiên cố. Công tác tổ chức sơ tán dân bắt đầu từ 9h ngày 27/9 và hoàn thành trước 15h cùng ngày.
Theo ghi nhận của PV, thời tiết ở Huế đang có mưa kéo dài. Từ sáng sớm cho đến nay, lực lượng công an các địa phương đã hỗ trợ rất nhiều người già yếu, bệnh tật đến nơi an toàn.
Công an TP. Huế thông tin đến 3h chiều 27/9, đơn vị đã tham mưu, phối hợp với các ban ngành sơ tán hơn 2.500 hộ, 9.500 nhân khẩu, giúp dân chằng chống 1.096 ngôi nhà và đưa 421 tàu thuyền đến nơi neo đậu an toàn.
Tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng chỉ đạo các khu chợ truyền thống tạm ngừng mua bán từ chiều 27/9. Yêu cầu các chủ doanh nghiệp có phương án bố trí ca, kíp làm việc đảm bảo an toàn cho công nhân trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khi có gió bão công nhân đi làm ca chiều, tối ngày 27/9 phải ở lại tại nhà máy để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu người dân không được ra đường (cấm đường hoàn toàn) từ 21h ngày 27/9 đến khi có thông báo mới (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).
Các khách sạn ở Thừa Thiên - Huế tổ chức các hội nghị, sự kiện ngày 27 và 28/9 đã cho tạm hủy để phòng tránh bão, các cơ sở lưu trú đã có phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng ra thông báo tạm dừng đón khách tham quan trong ngày 28/9.
Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã hoàn tất cắt tỉa, tập trung xử lý kỹ thuật hơn 800 cây ở TP. Huế để hạn chế ảnh hưởng bão. Đồng thời có kế hoạch dự kiến sau khi bão Noru đi qua sẽ ra quân cắt tỉa, dọn dẹp vệ sinh, chống những cây xanh bị ngã đổ trên địa bàn. Bệnh viện Trung ương Huế cũng tiến hành cắt tỉa, gia cố cây xanh và chằng chống những khu vực quan trọng để đảm bảo an toàn cho các bệnh nhân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu tập các địa phương tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất. Các ngành, địa phương chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu ngay giờ đầu.
“Thời gian không còn nhiều nên đề nghị các địa phương cơ sở phải rà soát lại và tiếp tục triển khai ngay các công việc. Cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, ven biển, cửa sông, nhà yếu không bảo đảm an toàn, nơi nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét. Trước mắt cần chú trọng công tác ứng phó bão, sau đó mới tính đến ngập lụt. Chúng ta đã có những kịch bản cho tình huống ngập lụt với lượng mưa lên đến 600 mm. Do vậy, đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện công tác di dời dân hoàn thành trước 15h chiều 27/9. Các địa phương, các lực lượng chức năng không được chủ quan lơ là, bố trí lực lượng bảo đảm an toàn để người dân yên tâm sơ tán, bố trí lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm, chuẩn bị y tế cho người dân...”, ông Phương nhấn mạnh.
PV Báo TN&MT cập nhật những hình ảnh chống bão số 4 mới nhất trong ngày 27/9 tại Thừa Thiên – Huế: