Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ 7: Thổi bùng ngọn lửa sáng kiến

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 12:21, 30/08/2022

Trường Cao đẳng Dầu khí vừa tổ chức thành công Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ 7. Đây là Hội thi lớn nhất ngành Dầu khí nhằm tuyển chọn những thợ giỏi; những hạt giống của các đơn vị, phát huy tính sáng tạo khoa học kỹ thuật… Để hiểu rõ hơn về Hội thi này, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Lê Văn Sĩ, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Dầu khí, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi.

PV: Qua 7 lần tổ chức, Hội thi tay nghề Dầu khí đã trở thành hội thi có ý nghĩa rất lớn với người lao động của ngành; thu hút được rất nhiều thí sinh tham gia. Vậy ông có thể cho biết mục đích của cuộc thi này là gì?

Ông Lê Văn Sỹ - Phó Hiệu trưởng PVMTC: Hội thi tay nghề Dầu khí được tổ chức định kỳ 2 năm/lần nhằm đẩy mạnh phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho lực lượng lao động trong toàn Tập đoàn, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ để đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Tập đoàn; tạo ra lợi thế cạnh tranh từ nguồn nhân lực để các đơn vị tiếp bước vươn xa ra biển lớn trong xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; thực hiện thành công giải pháp phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

z3753669918117_c3d4b7b46981282aef166fbbf3db8f91.jpg
Ông Lê Văn Sĩ, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dầu khí, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi

Bên cạnh đó, Hội thi cũng tạo điều kiện cho CBCNV trong ngành giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Xây dựng tinh thần làm việc chuyên nghiệp và thổi bùng lên phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Thông qua Hội thi, những thí sinh đủ tiêu chuẩn, giỏi về tay nghề sẽ được tham gia các hội thi tay nghề toàn quốc tiến đến tham gia các hội thi tay nghề khu vực ASEAN và thế giới.

Các môn thi tập trung vào các nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, tính sáng tạo, kiên trì, thể hiện trí tuệ của người công nhân lao động dầu khí. Những kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp được đúc kết từ hội thi sẽ là những bài học quý giá để cá nhân người lao động và các đơn vị ứng dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất của đơn vị cũng như góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của từng đơn vị và chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam..

Đây cũng là dịp để tôn vinh những điển hình tiên tiến, những người lao động giỏi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Sau cuộc thi các thí sinh được giải sẽ được các đơn vị xem xét đặc cách nâng lương hoặc khen thưởng xứng đáng.

cac-dai-bieu-tham-quan-san-pham-doat-giai-tai-hoi-thi-tay-nghe-dau-khi-lan-vii.jpeg
Các đại biểu tham quan sản phẩm đoạt giải tại Hội thi tay nghề Dầu khí Lần VII

PV: Với vai trò là đơn vị chủ trì tổ chức cuộc thi, xin ông cho biết điểm mới của cuộc thi năm nay là gì? Có bao nhiêu cá nhân, tổ chức được vinh danh, thưa ông?

Ông Lê Văn Sỹ - Phó Hiệu trưởng PVMTC: Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VII - 2022 là một trong số các hoạt động thiết thực kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (03/9/1975-3/9/2022).

Năm nay số lượng thí sinh tham gia hội thi nhiều nhất trong các năm. Với 217 thí sinh đến từ 13 đơn vị thuộc Tập đoàn tham gia dự thi 12 ngành nghề bao gồm: Hàn, Lắp Ráp, Tiện, Điện tử Công nghiệp, Tự động hóa, Quản trị hệ thống mạng CNTT, Giải pháp phần mềm CNTT, Thiết kế đồ họa, Vận hành Nhà máy Lọc Dầu, Vận hành Khai thác Dầu khí, Vận hành Thiết bị khoan Dầu khí, Vận hành Nhà máy Nhiệt điện.

pvn1-16597568472091761346513.jpeg
Các thí sinh tham gia dự thi 

Một điểm mới của cuộc thi năm nay là các đề thi tiệm cận dần đến chuẩn quốc gia. Một số lĩnh vực đặc thù dầu khí đã đưa trên chuẩn quốc gia, tham khảo quốc tế. Đơn cử đề thi của ngành tự động hóa Ban tổ chức đã áp dụng đề thi của ASEAN. Bên cạnh đó, Hội thi năm nay có sự góp mặt của các nhà tuyển dụng, các nhà cung cấp sản phẩm của Đức… Các công ty này đã cung cấp, hỗ trợ thiết bị cho cuộc thi, điều này giúp các đội được tiếp cận với công nghệ mới.

Hội thi tay nghề Dầu khí lần VII khép lại thành công tốt đẹp, với những phút giây đáng nhớ và tự hào. Sau 5 ngày thi tài, kết quả có 102 thí sinh đạt giải cá nhân, trong đó có 16 thí sinh đạt giải Nhất, 16 thí sinh đạt giải Nhì, 33 thí sinh đạt giải Ba và 37 thí sinh đạt giải Khuyến khích. Có 5 giải tập thể, trong đó Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đạt giải Nhất toàn đoàn; Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đạt giải Nhì toàn đoàn; Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) đạt giải Ba toàn đoàn; Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đồng giải Khuyến khích toàn đoàn.

1(1).jpg
Chuyên gia của SAMSON Việt Nam giới thiệu và chia sẻ với giảng viên PVMTC và các đại biểu trong ngành Dầu khí về các sẩn phẩm của công ty tại Hội thi tay nghề Dầu khí lần VII

PV: Để được lựa chọn là đơn vị tổ chức Hội thi tay nghề Dầu khí (hội thi lớn nhất ngành dầu khí), chắc chắn trong quá trình phát triển Nhà trường có những thành tựu đáng ghi nhận. Xin ông chia sẻ về một số thành tích mà nhà trường đã đạt được?.

Ông Lê Văn Sỹ - Phó Hiệu trưởng PVMTC: Trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã xác định khoa học công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến khả năng làm chủ của khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện chiến lược này, gần 50 năm qua, bằng cách hoàn thiện mô hình: “Đào tạo - Dịch vụ Đào tạo - Dịch vụ kỹ thuật”, Trường Cao đẳng Dầu khí đã phát triển đồng bộ, hiện đại đủ sức đáp ứng nhu cầu đào tạo và cung ứng nhân lực chất lượng cao cho ngành Dầu khí và một phần cho xã hội. Trong đó hoạt động đào tạo giữ vai trò chủ đạo, các hoạt động dịch vụ đào tạo và dịch vụ kỹ thuật là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với thực tế sản xuất.

Để nâng cao tay nghề cho giáo viên và học sinh, đồng thời tạo ra nguồn thu để nâng cao đời sống cho CBCNV và tái đầu tư cho đào tạo, từng bước tiến tới tự chủ về tài chính, Nhà trường đã mở rộng hợp tác với các trường, các tổ chức đào tạo trong và ngoài nước để gắn đào tạo với thực tế sản xuất và nghiên cứu khoa học.

lanh-dao-tap-doan-dau-khi-viet-nam-va-lanh-dao-tinh-br-vt-trao-giai-toan-doan-cho-cac-don-vi-tai-hoi-thi-tay-nghe-dau-khi-lan-vii.jpeg
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và lãnh đạo tỉnh BR-VT trao giải toàn đoàn cho các đơn vị tại Hội thi tay nghề Dầu khí lần VII

Từ trước đến nay Nhà trường luôn đi đầu trong việc hợp tác giữa 3 bên (nhà trường, đơn vị tuyển dụng, đơn vị sản xuất). Qua mối quan hệ này các sinh viên, giảng viên của nhà trường sẽ được thực hành, thực tế ở dưới các xưởng; các đơn vị sẽ được thụ hưởng sản phẩm đầu ra của nhà trường là nguồn lao động chất lượng cao… Cụ thể, hàng năm, Nhà trường yêu cầu tất cả các thầy cô, các giảng viên hệ thực hành đều phải đi thực tế tại các đơn vị để cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị. Sau những đợt thực tập này, các giáo viên sẽ chỉnh sửa chương trình giảng dạy đảm bảo phù hợp với thực tế làm việc.

Những nỗ lực của trường đã được đến đáp xứng đáng, uy tín của Nhà trường được nâng cao, 100% sinh viên khi ra trường có việc làm. Thậm chí, ngay cả khi đang ngồi trên ghế nhà trường đã được ký hợp đồng thử việc. Đến nay Trường Cao đẳng Dầu khí đã đào tạo trên 200.000 lượt học viên với trên 150 chương trình đào tạo.

Có thể khẳng định, Trường Cao đẳng Dầu khí đã tăng trưởng cả về quy mô và chiều sâu. Hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc đào tạo và cung ứng nhân lực cho ngành Dầu khí; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật – công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo; thực hiện các loại hình dịch vụ kỹ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Kông Nguyên