Giảm thiệt hại do dông, sét ở Tây Nguyên: Hiệu quả từ đầu tư hệ thống trạm quan trắc

Môi trường - Ngày đăng : 06:58, 27/09/2022

(TN&MT) - Nhờ được đầu tư hệ thống trạm quan trắc, công tác dự báo hiện tượng dông, sét trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã được các đơn vị dự báo thực hiện chủ động, mang lại hiệu quả cảnh báo cao, giảm thiệt hại do dông, sét gây ra.

Thiệt hại do dông, sét đã giảm

Theo Đài Khí tượng và Thủy văn (KTTV) khu vực Tây Nguyên, những năm gần đây, hoạt động dông, sét trên khu vực Tây Nguyên tương đối mạnh với số ngày dông trung bình khoảng 100 ngày/năm. Trong đó, dông, sét thường xảy ra với tần suất nhiều và có cường độ mạnh vào các tháng 3, 4 - thời điểm giao mùa giữa mùa khô - mùa mưa và tháng 9, 10 do hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trong năm.

anh-2..jpg

Dông lốc, sét kèm mưa lớn làm tốc mái và đổ sập nhiều nhà dân.

Bên cạnh đó, do có sự phân chia địa hình bởi các dãy núi cao có hướng khác nhau nên hoạt động dông, sét ở các tỉnh trong khu vực khác nhau về tần suất và cường độ. Ở Gia Lai, Kon Tum, số ngày xảy ra dông, sét nhiều hơn so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.

Hiện tượng dông, sét đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc kèm theo sét, mưa đá, mưa lớn trái mùa đã làm 1 người chết, 81 căn nhà hư hỏng, tốc mái; 362,03ha cây trồng bị hư hỏng, ngã đổ; tổng giá trị thiệt hại khoảng 48,932 tỉ đồng.

Tại tỉnh Kon Tum, đầu năm 2022 đến nay, dông, sét kèm mưa lớn, lũ, gió lốc làm 3 người chết; 8 nhà bị tốc mái, 4 trường học bị ảnh hưởng; diện tích cây trồng bị thiệt hại khoảng 9,5ha; 1 trụ điện bị gãy đổ; tổng thiệt hại ước tính khoảng 972 triệu đồng. Tuy nhiên, thiệt hại do dông, sét gây ra trên địa bàn Tây Nguyên năm nay đã giảm so với những năm trước.

Ông Trần Trung Thành - Phó Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên cho biết, hiện nay, công tác dự báo dông, sét ở khu vực Tây Nguyên đã có những tiến bộ nhất định. Thông qua tín hiệu từ các trạm quan trắc đã giúp phát hiện và dự báo sớm hiện tượng dông, sét xảy ra.

“Hiện nay, Đài KTTV khu vực Tây Nguyên đã có thể dự báo sét trước từ 30 phút đến 1 tiếng với chất lượng 80 - 90%, từ 1 đến 3h với chất lượng cho độ chính xác thấp hơn. Dự báo này đã giúp người dân trên địa bàn chủ động phòng tránh và giảm thiệt hại do dông, sét gây ra”, ông Thành cho hay.

d8a3d781bb51410f1840.jpg
Thiệt hại nặng nề do dông lốc, sét kèm mưa lớn 

Nâng cấp mạng lưới quan trắc, đầu tư nguồn nhân lực

Theo ông Trần Trung Thành, được sự quan tâm của Tổng cục KTTV và Bộ TN&MT, khu vực Tây Nguyên đã đầu tư trạm ra-đa thời tiết Pleiku, định vị sét Pleiku và hệ thống trạm quan trắc đo mưa tự động, đặc biệt là hệ thống các sản phẩm mô hình dự báo số trị. Qua đó, hiệu quả công tác dự báo KTTV nói chung và cảnh báo thời tiết nguy hiểm như dông, sét nói riêng đã được nâng cao về chất lượng, thời gian cảnh báo trước khi xảy ra các hiện tượng dài hơn.

Tuy nhiên, mạng lưới dự báo hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là cảnh báo sét, bởi diễn biến của mây dông rất nhanh, khó dự đoán chính xác sét sẽ đánh vị trí nào. Do đó, việc đầu tư trang thiết bị để nâng cấp mạng lưới quan trắc định vị sét, trạm cảnh báo sét và các trạm quan trắc là cần thiết để phục vụ công tác dự báo đạt hiệu quả cao hơn.

Để nâng cao hiệu quả về công tác cảnh báo hiện tượng dông, sét khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới, ông Thành khẳng định: Đài KTTV khu vực Tây Nguyên sẽ đầu tư trang thiết bị để nâng cấp mạng lưới quan trắc định vị sét đã có; chủ động đề xuất Bộ TN&MT và Tổng cục KTTV tiếp tục đầu tư thêm các trạm ra-đa thời tiết trên khu vực Tây Nguyên.

“Đồng thời, Đài KTTV Tây Nguyên sẽ tập trung nâng cao trình độ đội ngũ dự báo viên, tuyển dụng đội ngũ có trình độ cao về công nghệ trong lĩnh vực chuyên môn; huy động sự chung tay, góp sức từ công tác xã hội hóa để triển khai các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV trên địa bàn”, ông Thành thông tin.

Quế Mai