Vũ Quang (Hà Tĩnh): Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 06:58, 27/09/2022
Tiềm năng được đánh thức
Là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh với địa hình đồi núi chiếm phần lớn diện tích và con sông Ngàn Sâu chảy qua đã mang lại cho Vũ Quang nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú như đất, cát, vàng… Đặc biệt, nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.
Trong đó, với lợi thế đồi núi, có thể đưa vào quy hoạch nhiều mỏ đất chất lượng; cùng với đó, cát tập trung chủ yếu dọc tuyến sông Ngàn Sâu trải dài hơn 30km đi qua địa bàn, trọng tâm ở các xã Hương Minh, Thọ Quang, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Liên, Đức Giang, Ân Phú với trữ lượng được đánh giá là rất lớn. Nguồn lực dồi dào, trong khi nhu cầu sử dụng khoáng sản thông thường làm VLXD các công trình nông thôn mới (NTM) rất lớn, các dự án cần đất san lấp, cát đá, tuy nhiên việc khai thác nguồn lực giàu tiềm năng này tại huyện Vũ Quang chưa được đánh thức. Trước tình hình đó, địa phương đã triển khai, phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa vào quy hoạch, đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang cho biết: “Những năm qua, đã có một số mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, đưa vào khai thác với quy mô khác nhau để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, của tỉnh”.
“Tính riêng trong giai đoạn 2020 - 2021, Hà Tĩnh đã đưa vào đấu giá thành công 1 mỏ đất, 3 mỏ cát trên địa bàn huyện Vũ Quang và đến thời điểm này đã hoàn thành các thủ tục cấp phép, chuẩn bị cho đi vào hoạt động. Các mỏ đất, cát khi đi vào hoạt động không những đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện cũng như các huyện lân cận mà còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.
Các mỏ đất, cát khi đi vào hoạt động không những đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện, các huyện lân cận mà còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách. Tuy vậy, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn tại Hà Tĩnh, những tiềm năng về khoáng sản tại Vũ Quang phải được đánh thức tương xứng để khẳng định lợi ích về kinh tế.
Cẩn trọng với “mặt trái”
Cùng với việc hoàn chỉnh các thủ tục để đưa các mỏ vào hoạt động khai thác, công tác phối hợp đảm bảo tốt về an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản, góp phần hạn chế và chấm dứt các hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép được cấp ủy, chính quyền hết sức quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện Vũ Quang tình trạng lợi dụng danh nghĩa cải tạo để khai thác đất, cát trái phép gần như rất ít diễn ra.
Theo ông Đoàn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, mặc dù vậy, qua kiểm tra, giám sát cho thấy công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản còn bộc lộ một số hạn chế như: Vẫn còn một số doanh nghiệp chưa chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường trong khai thác.
Đặc biệt, hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp trên địa bàn xã Hương Minh đã có tác động tiêu cực đến môi trường, dân cư, gây bức xúc trong dư luận. Để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đó, chính quyền xã đã có ý kiến lên các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền yêu cầu đơn vị khai thác chấp hành quy định của pháp luật, nghiêm khắc hơn có thể đình chỉ khai thác.
Mặt khác, có doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục, thực hiện khai thác mỏ đất nhưng tuân thủ quy định về công suất khai thác. Ngoài ra, còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ thủ tục cấp phép, chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường…
Để tiếp tục quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian tới, huyện Vũ Quang tiếp tục tổ chức, triển khai thực hiện Luật Khoáng sản 2010, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh. UBND huyện Vũ Quang tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị khai thác khoáng sản tổ chức thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, của UBND tỉnh, Sở TN&MT.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt thông tin, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, tự ý hạ thấp độ cao san gạt mặt bằng. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang khẳng định: “Tuy nhu cầu lớn, nguồn lực dồi dào nhưng về công tác quản lý Nhà nước, Vũ Quang luôn thực hiện nghiêm ngặt Luật Khoáng sản 2010, không để các doanh nghiệp tự do thực hiện không đúng quy trình. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, yêu cầu các mỏ chấp hành quy định, quy trình khai thác, trường hợp không chấp hành sẽ tạm đình chỉ khai thác. Quan điểm của chúng tôi là kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”.
Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết: Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 121 khu vực mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường với tổng diện tích 6.193ha. Chỉ riêng năm 2021, Sở TN&MT phối hợp đơn vị đấu giá tổ chức đấu giá thành công 15 mỏ, trình UBND tỉnh phê duyệt trúng đấu giá 7 mỏ, với tổng số tiền thu nộp ngân sách 21,5 tỷ đồng.