Quảng Trị: Trường hợp cần thiết sẽ cưỡng chế di dời đảm bảo an toàn cho người dân trước mưa bão

Xã hội - Ngày đăng : 20:11, 26/09/2022

Ngày 26/9, đoàn công tác tỉnh Quảng Trị gồm: Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 4 (bão Noru) tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
anh-1-(1).jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng chống bão số 4 tại khu vực biển Cửa Việt (huyện Gio Linh)

Trong những ngày qua, khu vực Quảng Trị đã có mưa rào rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa. Lượng mưa từ 19h00 ngày 23/9 đến 10h00 ngày 26/9 phổ biến từ 20-40mm, một số nơi lớn hơn như tại đảo Cồn Cỏ 115mm và Vĩnh Kim 94mm.

Tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh là 2.302 chiếc với 6.136 thuyền viên, hiện tại tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đã nhận được thông tin, hướng di chuyển của bão số 4 và đã vào neo đậu tại các bến trong chiều ngày 25/9. Tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu trên địa bàn tỉnh là 16 chiếc với 126 thuyền viên.

anh-2-.jpg
Tàu thuyền tại Quảng Trị đã vào nơi neo đậu tránh trú an toàn

Đến ngày 26/9, tổng dung tích các Hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 33,25% so với dung tích thiết kế. Diện tích lúa nước gieo cấy vụ Hè Thu ước đạt 23.087 ha và cơ bản đã thu hoạch xong, còn khoảng 523 ha lúa chưa thu hoạch.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch diện tích lúa, hoa màu vụ Hè Thu, đồng thời có các biện pháp bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

anh-3-.jpg
Lực lượng Biên phòng đưa giúp người dân đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão

Căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến bão và dự báo hoàn lưu gây mưa lũ áp dụng phương án ứng phó khi bão, bão mạnh đổ bộ, địa bàn tỉnh được chia thành 5 vùng trọng tâm sau: Vùng trực tiếp bão, nước biển dâng thuộc các huyện ven biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ; Vùng ngập sâu ở trên các lưu vực sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải, sông Hiếu, Sê Pôn; Vùng lũ quét ở Hướng Hoá, ĐaKrông, gò đồi ở Cam Lộ; Vùng sụt lún, sạt lỡ đất ở Cam Lộ, ĐaKrông, Hướng Hoá; Vùng ngập cục bộ ở Hướng Hoá, ĐaKrông, Cam Lộ.

Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng...

anh-4-.jpg
Các cán bộ chiến sĩ giúp người dân chằng chống nhà cửa

Tại chuyến kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương trong công tác ứng phó bão Noru. Các kịch bản, dự kiến ứng phó tình huống khẩn cấp của tỉnh với tinh thần chủ động, trách nhiệm cao, sát với thực tế.

Rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai mưa lũ lịch sử trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị lưu ý, công tác phòng, tránh bão không chỉ trên biển mà chú trọng, quyết liệt ở vùng núi cao nguy cơ sạt lở. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

anh-5.jpg
Lực lượng biên phòng điều khiển cano đến các cảng cá, yêu cầu tàu di chuyển đến nơi tránh trú bão. Nếu các tàu cá không chấp hành, sẽ bị cưỡng chế.

Thành lập các tổ đội bảo vệ tài sản cho ngư dân khi đã vào bờ tránh trú bão. Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung. Đề nghị các địa phương chỉ đạo các lực lượng xung kích, tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, sẵn sàng tham gia khi có tình huống phức tạp nảy sinh.

Đặc biệt, cần đề phòng ảnh hưởng của bão thường đi kèm với mưa lũ gây sạt lở khó lường. Bên cạnh công tác di dân, lực lượng chức năng sẵn sàng triển khai lực lượng chốt chặn, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm như bến đò, khu vực sạt lở đất, lũ quét...

Tiến Nhất