Làm tốt công tác bảo vệ môi trường giúp đồng bào Bắc Yên giảm nghèo bền vững

Môi trường - Ngày đăng : 19:42, 26/09/2022

(TN&MT) - Từng là một trong các huyện nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ, những năm qua, huyện Bắc Yên đã huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Song song đó, Bắc Yên cũng chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
a1.jpg

Diện mạo nông thôn Bắc Yên có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm (Ảnh: Đường vào trung tâm xã Hồng Ngài).

Nỗ lực thoát nghèo bền vững

Bắc Yên có gần 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), có 13 xã thuộc khu vực III, 2 xã và thị trấn khu vực I. Theo lãnh đạo huyện Bắc Yên, để thoát nghèo bền vững, những năm qua, Bắc Yên đã xây dựng các kế hoạch để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo; chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, nắm chắc thực trạng nghèo, đặc điểm nghèo, nguyên nhân dẫn đến nghèo; rà soát, đánh giá, lập danh sách những hộ dự kiến có khả năng thoát nghèo, hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất... Huy động các nguồn lực ưu tiên đầu tư các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; triển khai xóa nhà tạm; hỗ trợ chuyển đổi sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Đến nay, Bắc Yên có 2 xã đạt chuẩn NTM; 14/16 xã, thị trấn, 63/103 bản có đường ô tô từ huyện đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ giai đoạn 2016-2021 còn 14,34%...

Với hơn 82% dân số là đồng bào dân tộc Mông, Hồng Ngài – mảnh đất gắn liền với câu chuyện nổi tiếng về Vợ chồng A Phủ giờ đây đang chuyển mình mạnh mẽ. Theo ông Lầu A Tủa, Chủ tịch UBND xã Hồng Ngài, để xóa đói giảm nghèo bền vững, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi các diện tích ngô sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 25%.

Anh Giàng A Tủa, người dân Hồng Ngài, phấn khởi: Được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng và nhà nước, đời sống của bà con được cải thiện nhiều. Cán bộ xã thường xuyên xuống hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác sao cho hiệu quả cao, cách làm chuồng trại chăn nuôi cho hợp vệ sinh, xóa bỏ dần hủ tục lạc hậu, tập quán chăn thả rông gia súc…

a2.jpg

Du khách trải nghiệm giã bánh dày cùng đồng bào Mông xã Tà Xùa.

Cũng là một trong những xã có số hộ nghèo cao, Tà Xùa có 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Bằng nhiều giải pháp thiết thực, Tà Xùa đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng chè, cây ăn quả… Đến nay, diện mạo nông thôn mới Tà Xùa đã có nhiều đổi khác. Trụ sở, trường học, trạm y tế, điện lưới, giao thông được đầu tư khá đồng bộ. Xã cũng làm tốt công tác xã hội hóa xóa nhà tạm, chỉnh trang nhà ở cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, Tà Xùa đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, vận động nhân dân quan tâm thực hiện bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sáng – xanh – sạch – đẹp. Toàn xã có gần 400 hộ dân đã chủ động cải tạo vườn, chỉnh trang hàng rào, cổng ngõ không lầy lội, chủ động xây các lò xử lý rác thải. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 33%.

a3.jpg

Song song công tác giảm nghèo, Bắc Yên quan tâm hướng dẫn người dân xây các lò xử lý rác quy mô gia đình, nhóm hộ gia đình để thu gom rác thải sinh hoạt.

Hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường

Cùng với các giải pháp hữu hiệu để giúp người dân thoát nghèo bền vững, Bắc Yên cũng quan tâm triển khai đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường, xóa nhà tạm để hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng phòng TN&MT Huyện Bắc Yên cho biết: Những năm qua, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cơ quan, tổ chức, toàn thể nhân dân. Khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi, phân loại rác thải kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình.

Đưa các chỉ tiêu môi trường vào Kế hoạch thực hiện hàng năm như chỉ tiêu về độ che phủ rừng, chỉ tiêu về sử dụng nước sạch, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom... Đã huy động các tổ chức chính trị - xã hội chung tay bảo vệ môi trường như, Hội phụ nữ huyện với phong trào tự quản về vệ sinh môi trường tại khu dân cư; Hội Cựu chiến binh, Huyện đoàn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thường xuyên phát động ra quân dọn vệ sinh môi trường nhân Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh...

Tới nay, toàn huyện có 450 điểm tập kết rác thải; tại các bản, tiểu khu, đơn vị trường học đã được tập huấn về công tác phân loại, xử lý rác thải; 100% các bản, tiểu khu và các trường học có thùng đựng rác đặt ở nơi công cộng... Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt đạt 80%; trong đó, khu vực đô thị đạt 95%. Khu vực nông thôn, có gần 9.000 hộ được thu gom, xử lý, đạt trên 70%.

a4.jpg

Tuổi trẻ Bắc Yên duy trì các hoạt động ra quân dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 4,5% - 5%/năm; đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 20%, ít nhất 4 xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, thời gian tới, Bắc Yên xác định tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc.

Xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giảm nghèo theo từng giai đoạn và hàng năm gắn với các giải pháp thiết thực, phù hợp điều kiện địa phương. Tích cực thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đối với hộ nghèo, chính sách hỗ trợ phát triển, bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo.

Huy động các nguồn lực, chương trình đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người nghèo; xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Triển khai hỗ trợ thí điểm, phát triển 1 mô hình giảm nghèo (chăn nuôi, trồng trọt hoặc du lịch cộng đồng) để tạo sinh kế, việc làm bền vững, thích ứng BĐKH cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chú trọng triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, góp phần phát triển KT-XH gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Yên không còn nằm trong danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Tuy nhiên, theo tiêu chí mới tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/01/2021, toàn huyện Bắc Yên vẫn còn 5.425 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 38%; 1.747 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ trên 12%; hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào DTTS, chiếm 99,8%.

Nguyễn Nga