Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2: Niềm tin, nhiệt huyết trên những ''điểm nóng"
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 17:10, 26/09/2022
Vào những ngày cuối thu năm 2022, chúng tôi về Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đúng vào thời điểm “giao thoa” vận hành hai tổ máy. Trong đó, Tổ máy số 1 về cơ bản đã hoàn thành các điều kiện cần để bước vào giai đoạn vận hành nâng công suất (performance test). Tổ máy số 2 hoàn thành đốt lửa lò hơi, thông thổi đường ống, chuẩn bị hòa điện đồng bộ lên lưới điện quốc gia lần đầu tiên.
Theo gợi ý của lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2 (Ban QLDA), chúng tôi đến 3 điểm “nóng” tại dự án là hệ thống vận chuyển than, kho chứa than và lực lượng vận hành chạy thử của nhà máy. Đây được ví như những mảnh ghép cuối cùng trong công tác vận hành, là nơi tập trung những thách thức lớn nhất trên chặng đường cuối cùng để NMNĐ Thái Bình 2 vận hành thương mại đúng theo cao kết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).
Vừa bước chân đến cảng nhận than của nhà máy, bắt gặp anh Lê Đình Thảo - Giám sát trưởng nhà thầu FLSmidth (nhà thầu công nghệ độc quyền vận hành hệ thống vận chuyển than tại dự án). Trong nắng nóng gay gắt, không khí hanh khô của buổi trưa tại Thái Thụy, anh Thảo cùng kỹ sư của hai nhà thầu xây lắp hệ thống băng tải than là DQS và Vinalead đang thảo luận sôi nổi về việc vận hành có tải của dây chuyền số 2.
Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu tiến độ hạng mục vận tải than, anh Thảo thẳng thắn: “Gần 20 năm đi triển khai các dự án ở khắp đất nước, tôi chưa gặp dự án nào có tiến độ gấp gáp như NMNĐ Thái Bình 2. Do tiến độ của hạng mục quá gấp nên các nhóm chuyên gia vận hành đều nỗ lực hết sức để triển khai các hạng mục công việc. Chúng tôi còn phải “làm tắt” rất nhiều bước để hoàn thành các mốc tiến độ theo mục tiêu chung của dự án”.
Anh Thảo cho biết thêm, trước mắt vẫn cần tăng nhân lực để sớm hoàn thành phần việc còn lại. Thông thường, một dự án như NMNĐ Thái Bình 2 thì FLSmidth phải triển khai trong 7-8 tháng, nhưng ở đây chỉ được phép làm vài ba tháng. Bởi vậy, số lượng nhân sự hiện nay rất mỏng, mà nhân sự của FLSmidth đều phải là chuyên gia theo từng thiết bị, chịu sự điều phối của hãng tận bên Đức. Cũng may mắn, hiện tại anh Thảo là chỉ huy chính cùng các chuyên gia người Ấn Độ nên họ cũng dễ “thông cảm” cho những áp lực của dự án, nếu chỉ huy là người Đức thì chắc chắn không cho “làm tắt” hoặc cho nhân sự làm việc vượt thời gian quy định như ở NMNĐ Thái Bình 2... Anh Thảo vừa nói vừa cười tươi, khoe hàm răng sáng trắng.
Trước khi tạm biệt chúng tôi, anh Thảo còn nói, NMNĐ khi hoạt động với công suất cao bao giờ cũng phải chạy song song 2 tuyến cấp than. Bởi vậy, nếu 1 tuyến đang hoạt động mà vẫn đang chỉnh sửa, lắp tôn che trên 1 tuyến còn lại thì rất nguy hiểm. Đây là giai đoạn tại NMNĐ Thái Bình 2 cần phải đặt công tác an toàn, bảo đảm tính mạng con người, thiết bị lên trên hết.
Trong quy trình vận hành NMNĐ than, việc đưa hệ thống vận tải than vào hoạt động được coi là một trong những điều kiện tiên quyết. Bởi khi nhà máy nâng công suất từ 75% trở lên, mỗi ngày tiêu thụ tới hơn 5.000 tấn than. Đây là lượng than cực lớn, được vận chuyển liên tục theo hai đường, trực tiếp từ cầu cảng nhận than và từ kho than của nhà máy lên buồng đốt (lò hơi).
Để có thể tiết kiệm thời gian vận hành, kho than số 1 của NMNĐ Thái Bình 2 dù chưa hoàn thiện cũng đã nhận về vài chục nghìn tấn than chuẩn bị cho giai đoạn chạy thử. Kho than số 2 đang được nhà thầu LICOGI tích cực hoàn thiện các hạng mục còn lại như vận hành máy đánh đống, lợp tôn mái kho than. Gặp anh Dương Văn Quý - Chỉ huy trưởng của nhà thầu LICOGI - với khuôn mặt phấn khởi và nụ cười tươi tắn, chúng tôi nghĩ rằng chuyện lợp tôn, vận hành máy đánh đống chắc “ngon xơi” lắm, nhưng khi trao đổi với anh Quý, chúng tôi mới biết là hoàn toàn ngược lại.
Anh Quý nói, đối với người trong nghề, ngay khi nhìn vào thiết kế của kho than số 2, ai cũng cảm thấy “quá kinh khủng”. Chiều cao của kho than là 41,2m, chiều dài 145m, riêng chiều dài mái kho lên tới 45m, có độ dốc rất cao, nên thi công cực kỳ khó khăn. Ngay từ lúc lắp kết cấu thép từ tháng 9-2021, các cán bộ, kỹ sư của LICOGI đã phải trăn trở tìm giải pháp lợp tôn. Để ra được biện pháp thi công, lãnh đạo LICOGI đã phải huy động các kỹ sư nghiên cứu, lên phương án chi tiết và chế tạo hệ thống giá đỡ, tời kéo tôn mất tới 6-7 tháng.
Chia sẻ về tiến độ của kho than số 2, anh Quý cho biết thêm, để vượt qua khó khăn do mái kho có độ dốc cao, các kỹ sư phải cắt tôn ra làm 3 tấm, chiều ngang mỗi tấm 1m. Mỗi lần lợp phải làm hoàn chỉnh 2 bên mái luôn. Mỗi lần cẩu lên là 2 tấm, tời sẽ kéo lên độc lập rồi bắt từ dưới lên trên. Bởi vậy, nếu không có giá đỡ thì bắn tôn cực kỳ khó khăn. Đơn cử, ở NMNĐ Mông Dương chỉ dùng thang, bắn tôn rất nguy hiểm và năng suất không đạt yêu cầu. Đến nay, LICOGI đang đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư với tiến độ hoàn thành 6-7m tôn 1 ngày, kho than số 2 làm đến đâu gọn sạch đến đấy nên đã đủ chỗ chứa than để nâng công suất của Tổ máy số 1.
Chúng tôi trở lại nhà điều khiển trung tâm, nơi được ví như “khối óc” của NMNĐ Thái Bình 2. Đây là nơi kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của nhà máy và cũng là nơi diễn ra cuộc chuyển giao cực kỳ căng thẳng và quyết liệt về công nghệ vận hành giữa các chuyên gia của nhà thầu vận hành chạy thử và các kỹ sư, công nhân vận hành của Việt Nam.
Chúng tôi gặp anh Bùi Trọng Đại - Kỹ sư trưởng vận hành được biệt phái từ NMNĐ Vũng Áng 1 đến cách đây 4 năm. Là một kỹ sư “cứng”, có nhiều kinh nghiệm vận hành nhà máy điện khí và điện than, nên chúng tôi khá bất ngờ khi thấy những nét lo âu hiện rõ trên khuôn mặt của anh Đại.
Anh Đại cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác vận hành hiện nay là vai trò của tổng thầu và nhà thầu chạy thử chưa thực sự rõ nét. Đặc biệt, đội ngũ vận hành đang cần yêu cầu cao hơn về khả năng tiếp thu công nghệ vận hành. Nhưng do thời gian quá gấp gáp nên nhân sự vận hành kế cận của nhà máy vẫn chưa học hỏi được nhiều từ các chuyên gia, dẫn đến chuyên môn chưa được như mong muốn. Bởi vậy, các vấn đề phát sinh trong khi vận hành nhà máy được xử lý chậm, chưa triệt để, khiến thời gian vận hành phải kéo dài.
Chợt nhớ cách đây 5 năm, khi vận hành NMNĐ Vũng Áng 1, lực lượng kỹ sư vận hành được điều về nhà máy trước 2 năm, cùng tham gia vận hành với các chuyên gia quốc tế hơn 1 năm. Khi đó, chuyên gia cùng kỹ sư vận hành Việt Nam đều ngồi trên các bàn điều khiển của nhà máy. Từ vị trí học việc, các kỹ sư dần nắm bắt tốt kỹ thuật, công nghệ trong từng vị trí, từng thông số kỹ thuật tiêu chuẩn, đến khi được chuyên gia tin tưởng giao tự triển khai để chuyên gia chuyển sang công tác giám sát.
Vì may mắn đã có thời gian đồng hành cùng NMNĐ Vũng Áng 1 và nay là NMNĐ Thái Bình 2, nên chúng tôi dễ dàng cảm thông với những lo lắng của anh Đại. Một nguyên nhân nữa là Việt Nam chưa có một trường nào đào tạo kỹ sư vận hành NMNĐ. Đây không chỉ là vấn đề chuyển giao công nghệ đơn giản mà đòi hỏi phải dạn dày kinh nghiệm, có sự linh hoạt và quyết đoán trong việc xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh. Chính vì vậy, để NMNĐ Thái Bình 2 có thể nhanh chóng vận hành thương mại an toàn, hiệu quả, việc cần nhất là phải tìm ra, trao quyền cho một “tư lệnh” có đủ tâm, đủ tầm để phụ trách toàn bộ công tác vận hành.
Có thể khẳng định, Dự án NMNĐ Thái Bình 2 đang trải qua những tháng ngày đầy cam go, thách thức. Nhưng trong mọi điểm “nóng” trên công trường của dự án, chúng tôi cảm nhận được niềm tin và nhiệt huyết của cán bộ, kỹ sư, người lao động dầu khí cùng các đối tác. Họ đã sẵn sàng bước vào “trận đánh cuối cùng” vận hành thương mại toàn bộ nhà máy vào cuối năm 2022 với tâm thế quyết chiến - quyết thắng.