Bão số 4 rất mạnh, cảnh báo ngập lụt hơn 60 huyện và khu đô thị
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:10, 26/09/2022
Chiều 26/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn (KTTV) đã tổ chức họp báo thông tin về diễn biến bão số 4. Dự họp báo có Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm; Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo Trần Quang Năng cùng nhiều chuyên gia dự báo thuộc Tổng cục KTTV.
Thông tin về bão số 4, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, đây là cơn bão có cường độ mạnh, thời điểm trước khi đổ bộ vào khu vực đảo Lu-Dông của Philippinnes cường độ bão đạt mức cấp 15, giật cấp 17. Sau đó, khi đi vào biển Đông sáng nay, cường độ đã yếu còn mức cấp 12, giật cấp 14.
Thống kê cho thấy, đây là cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ, tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020.
Tốc độ di chuyển của cơn bão số 4 là khá nhanh, trung bình khoảng 20-25km/h. Với tốc độ đó, nên ngay khi bão vừa vào Biển Đông, Tổng cục KTTV đã chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia quyết định phát tin bão khẩn cấp.
Về diễn biến của cơn bão số 4, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, dự báo trong 24-48 giờ và cả sau 48 giờ tới, bão số 4 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, cường độ đạt mạnh nhất khi ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa ở mức cấp 14, giật cấp 16. “Khoảng sáng đến trưa ngày 28/9, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ, sau đó, đi xuyên qua Tây Nguyên, sang Lào rồi sang Thái Lan và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan”, ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh.
Nhận định về ảnh hưởng và tác động của bão số 4, ông Nguyễn Văn Hưởng thông tin, vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội.
Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền, ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ gần sáng ngày 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Trị trở vào đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
“Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9 ở khu vực Trung Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên mưa to đến rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 150-300mm, có nơi trên 350mm. Từ 28-30/9 mưa có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ”, ông Nguyễn văn Hưởng nhấn mạnh.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, khả năng xảy ra lũ hiện chia làm 2 kịch bản. Với kịch bản mưa lớn trên 300mm, các sông ở khu vực từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam ở mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; các sông ở Bình Định, Kon Tum, Gia Lai ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Thừa Thiên - Huế ở mức BĐ1 và trên BĐ1.
Kịch bản mưa lớn trên 400mm, đỉnh lũ trên các ông ở khu vực Trung Trung Bộ, bắc Tây Nguyên phổ biến ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3. Riêng sông Hương tại Huế lên mức BĐ2 và trên BĐ2. Ngập lụt diện rộng tại các tỉnh Trung Trung Bộ và khu vực bắc Tây Nguyên.
Với kịch bản mưa lớn phổ biến trên 400mm, sẽ có khoảng trên 60 huyện và khu đô thị có nguy cơ ngập lụt, gồm: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn, Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa, Đắkrông, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, TX. Quảng Trị, TP. Đông Hà (tỉnh Quảng Trị); Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế); Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng); Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, Thăng Bình, Núi Thành, TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam);
Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi); An Lão, Hoài Nhơn, Hoàn Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định); Sông Cầu, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, TP. Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên); Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, KonPlong, TP KonTum, Sa Thầy, Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum); Mang Yang, Phú Thiện, Ayunpa, Krông Pa, An Khê, K Pang, TX. An Khê (tỉnh Gia Lai).
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng đưa ra đánh giá về cấp độ rủi ro thiên tai với các khu vực chịu ảnh hưởng của bão. Theo đó, 5 địa phương gồm Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định ở cấp 4; 4 địa phương gồm Quảng Trị, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai ở cấp 3.
Bão có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 có khả năng gây thiệt hại lớn về người, vật nuôi, tài sản, công trình hạ tầng, gây đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội khác; gây mất mát lớn về tài chính; môi trường có thể bị phá hủy, để lại hậu quả lâu dài, khó có khả năng hồi phục. Do đó, các địa phương cần chủ động các phương án ứng phó phù hợp.