Phòng tránh bão Noru: Quảng Trị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ tối 25/9

Xã hội - Ngày đăng : 17:38, 25/09/2022

Ngày 25/9, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND tập trung ứng phó với bão Noru và mưa lũ.
a1-3-(1).jpg
Tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền tại Quảng Trị đã nhận được thông tin và hướng đi của bão Noru

Để chủ động phòng tránh, ứng phó với bão Noru và hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương, ban ngành chức năng trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.

Tổ chức kiểm tra, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi trú tránh an toàn; yêu cầu các chủ phương tiện phải có phương án đảm bảo an toàn cho tàu thuyền neo đậu ở khu vực cửa sông (Cửa Việt, Cửa Tùng)...

Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9/2022 (Tàu thuyền trở lại hoạt động bình thường khi thời tiết nguy hiểm trên biển kết thúc); việc sắp xếp tàu thuyền vào các nơi neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn trên địa bàn tỉnh hoàn thành trước 17 giờ ngày 26/9/2022.

a2-2-.jpg
Quảng Trị nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 19 giờ ngày 25/9/2022 để phòng tránh bão Naru

Các địa phương cần rà soát, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, nhất là đối với các vùng dọc bờ biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, vùng thường xuyên ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, ngập cục bộ và vùng có nguy cơ sạt lở tại các công trình thuộc khu vực miền núi; chủ động triển khai công tác sơ tán dân, tổ chức lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở những khu vực sơ tán;

Kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền tại các nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, lán trại thi công, trường hợp cần thiết phải thực hiện cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân;

Chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ nhu yếu phẩm tại các điểm sơ tán tập trung, đảm bảo thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo phương châm thích ứng an toàn, phù hợp trong điều kiện mới; công tác sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 27/9/2022.

Khẩn trương huy động phương tiện, lực lượng thu hoạch, bảo vệ lúa, hoa màu vụ Hè Thu và diện tích nuôi trồng thủy sản; kiểm tra, rà soát việc thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” ở cấp cơ sở và công tác bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông ở các khu vực ngập lụt, chia cắt; cũng như phương án sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu kịp thời, khắc phục nhanh các sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt sau thiên tai...

Thường xuyên nắm bắt thông tin để chủ động cho học sinh nghỉ học, cũng như tạm dừng thi công các công trình cho đến khi kết thúc các hình thế thời tiết nguy hiểm...

Sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện giúp nhân dân phòng, chống mưa bão, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ sơ tán dân khi có lệnh điều động. Sẵn sàng triển khai lực lượng chốt chặn, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm sơ tán, nghiêm cấm người qua lại ở các khu vực nguy hiểm...

a3-2-.jpg
Lực lượng chức năng cắt tỉa cành cây trên đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) ứng phó mưa bão

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết: Tính đến 10 giờ sáng 25/9, tổng số tàu thuyền trên địa bàn tỉnh hơn 2.300 chiếc với hơn 6.100 thuyền viên, tất cả chủ các phương tiện, tàu thuyền đã nhận được thông tin và hướng đi của bão Noru. Tàu thuyền ngoại tỉnh vào neo đậu trên địa bàn tỉnh là 9 chiếc với 72 thuyền viên.

Diện tích lúa vụ Hè Thu ước đạt 23.087 ha và cơ bản đã thu hoạch xong, còn khoảng 523 ha lúa chưa thu hoạch. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 3.400 ha. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch hoàn thành diện tích lúa, hoa màu vụ Hè Thu, đồng thời có các biện pháp đảm bảo an toàn đối với thủy sản nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra.

Trên địa bàn tỉnh có 126 đập, hồ chứa thủy lợi; tổng dung tích các Hồ chứa trọng điểm đạt trung bình khoảng 33,32% so với dung tích thiết kế. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, cập nhật phương án phòng chống, ứng phó với bão và mưa lũ đảm bảo an toàn công trình.

Để ứng phó với bão Noru, tỉnh đã lên phương án di dời dân tại các vùng có nguy cơ bị bão đổ bộ trực tiếp, nước biển dâng tại các huyện ven biển; vùng ngập sâu; vùng lũ quét; vùng sụt lún, sạt lỡ đất; vùng ngập cục bộ. Ở các vùng này tiến hành sơ tán dân tránh trú từ nhà tạm không đảm bảo phòng chống thiên tai đến các nhà kiên cố như: nhà dân cao tầng kiên cố, trường học, trụ sở cơ quan, trạm Y tế, Đồn Biên phòng, nhà cộng đồng...

Tiến Nhất