Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng
Trong nước - Ngày đăng : 11:03, 25/09/2022
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành, thực hiện chính sách
Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi, thành viên Đoàn giám sát cho biết, mục đích của Đoàn giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Đồng thời, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Đồng thời, rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo.
Nội dung giám sát tập trung vào việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản; Luật Bảo vệ môi trường, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan).
Giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021, bao gồm: Cung cầu và an ninh năng lượng; Quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng; Bảo vệ môi trường, giảm phát thải; Khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; Quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; Một số nội dung khác, như vấn đề hợp tác quốc tế; xã hội; quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; một số dự án năng lượng chậm tiến độ, gặp khó khăn, vướng mắc.
Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan, UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thời gian giám sát từ ngày 1/1/2016 đến hết ngày 31/12/2021, trong đó lưu ý đến những nội dung có tính kế thừa, liên quan trong giai đoạn trước hoặc sau khung thời gian nêu trên….
Đoàn giám sát xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung như: nội dung đối tượng, phạm vi giám sát; về phương thức hoạt động của Đoàn giám sát để đảm bảo hiệu quả, chất lượng thực chất của hoạt động giám sát, tránh chồng chéo, lãng phí, gây phiền hà cho địa phương, cơ sở, trong đó có việc tổ chức nghiên cứu, kế thừa tối đa các báo cáo của các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan, đặc biệt là kết quả thực hiện của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; về việc tổ chức ba đoàn công tác giám sát trực tiếp hoặc cử các tổ khảo sát tại các địa phương có những nội dung nổi bật trong phát triển năng lượng có một số công trình trọng điểm năng lượng và về tiến độ thực hiện.
Tập trung giám sát vấn đề chuyển đổi năng lượng gắn với thích ứng biến đổi khí hậu
Góp ý về Dự thảo Kế hoạch và Đề cương chi tiết của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng tình với nhiều nội dung Đoàn giám sát nêu và góp ý một số vấn để liên quan đến sự cân đối hài hòa giữa các ngành tiến hành giám sát. Bởi đây là chuyên đề giám sát rộng, nhưng trong nội dung, pham vi, đối tượng giám sát tập trung nhiều về ngành điện. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đối với ngành điện chỉ nên tập trung vào một số vấn đề giám sát đang được dư luận rất quan tâm. Ví dụ năng lượng tái tạo phát triển vượt công suất trong Quy hoạch điện 7; tình trạng đầu tư ồ ạt vào điện mặt trời, điện gió dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Đoàn giám sát cũng cần xem xét chính sách về xuất nhập khẩu và chiến lược đầu tư nâng cao năng lực của các ngành năng lượng của Việt Nam, trong đó ngành than hiện đang có nhiều khó khăn, bất cập.
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, thành viên Đoàn Giám sát nhấn mạnh đến 3 nội dung cơ bản của Đoàn giám sát cần hoàn thành, đó là: đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển bền vững của ngành năng lượng và bảo đảm góp phần phát triển kinh tế xã hội nói chung. Để hoạt động giám sát hiệu quả, theo ông Phan Xuân Dũng cần phân tích cái cũ, nhận định thực sự khoa học, trong đó làm rõ vì sao thời gian vừa qua bị phá vỡ quy hoạch điện, sắp tới có tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo hay không, phát triển ở mức như thế nào?...
Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát xác định rõ hơn mục đích, căn cứ, phạm vi thực hiện chuyên đề giám sát này. Hiện có nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện giám sát, nhưng giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tập trung đánh giá việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, thông tư, kế hoạch, quyết định…) để triển khai các luật; giám sát việc tổ chức thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, kết quả, tồn tại, hạn chế như thế nào?
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, mục tiêu cuối cùng của giám sát của Quốc hội là gắn với trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Việc giám sát cần xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, trong đó có vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, có xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới, đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào. Giám sát tập trung vào vấn đề chuyển đổi năng lượng, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch điện, trong đó quy hoạch điện 7 điều chỉnh, quy hoạch điện 8…
Bên cạnh đó, tập trung giám sát các chính sách phát triển năng lượng, chính sách tiết kiệm năng lượng, các chính sách liên quan đến khuyến khích, thu hút đầu tư, chính sách liên quan đến huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực, việc thu hút FDI, các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này, …
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý hoạt động giám sát cần tránh chồng chéo, trùng lặp. Đoàn giám sát cần khai thác kết quả của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Kiểm toán, kết quả giám sát của Ban Kinh tế Trung ương và những chuyên đề giám sát trước đây mà Ủy ban Kinh tế đã triển khai…. sử dụng kết quả đã có phân tích, đánh giá để đạt được mục tiêu của cuộc giám sát này.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề Đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan để hoàn thiện Kế hoạch, Báo cáo, Hồ sơ giám sát, lưu ý tiếp thu đầy đủ ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong đó tập trung vào một số vấn đề: xác định rõ phạm vi, mục tiêu trọng tâm, trọng điểm của cuộc giám sát, hoàn thiện kế hoạch chi tiết để công báo cáo lựa chọn đối tượng giám sát. Nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung chuyên sâu do đó cần tiếp tục xem xét, rà soát đảm bảo tiếp cận theo các nhóm vấn đề lớn, nổi bật của ngành năng lượng có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.
Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá, có kiến nghị chính sách về chuyển đổi năng lượng, về cơ chế đầu tư kinh doanh, phát triển thị trường năng lượng, giá cả thị trường năng lượng, cơ chế dự phòng, dự trữ năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, an toàn năng lượng và sử dụng tiết kiệm có hiệu quả năng lượng. Những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh năng lượng và các cam kết quốc tế hiện nay về vấn đề năng lượng trên cơ sở đảm bảo độc lập, chủ quyền, an ninh năng lượng bền vững, phù hợp với tỉnh hình thực tiễn Việt Nam.