Đẩy mạnh hợp tác phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid-19 khu vực Mekong
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 10:01, 24/09/2022
Chương trình có sự tham dự của đại diện Uỷ ban sông Mekong, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đại diện Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, các Hiệp hội và các doanh nghiệp. Thông qua Diễn đàn, các doanh nghiệp tham dự sẽ cùng đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn, tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS).
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ KH&ĐT, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội VASEAN cho biết, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc), là khu vực kinh tế năng động và có nhiều tiềm năng phát triển, tài nguyên khoáng sản phong phú. Với sông Mekong dài hơn 4.800km và vùng lưu vực rộng lớn, khu vực GMS có thế mạnh đặc biệt về sản xuất nông nghiệp, đóng vai trò là vựa lúa lớn nhất của thế giới.
Năm 1992 với sáng kiến và sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), 6 nước đã tham gia Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng, nhằm thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và phát triển thế mạnh của vùng. Sáng kiến đã thúc đẩy tăng cường kết nối và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa các nước, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên.
Việt Nam là một trong số các quốc gia tham gia ngay từ khi hợp tác GMS được hình thành. Tính đến tháng 12/2017 các dự án hợp tác trong GMS tại Việt nam có quy mô khoảng 6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% tổng số khoản vay, trợ cấp của GMS. Với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác của mình, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS bao gồm: Kết nối cứng và kết nối mềm. Việt Nam hiện là mắt xích quan trọng trong việc hình thành và phát triển 3 hành lang kinh tế quan trọng của GMS: Hành lang Bắc Nam, Hành lang Đông Tây và Hành lang ven biển phía Nam.
Trên cơ sở mục tiêu của hợp tác GMS là xây dựng một tiểu vùng sông Mekong phát triển thịnh vượng, hội nhập và bình đẳng, Diễn đàn sẽ tăng cường quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Tạo điều kiện để lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất, kiến nghị về chính sách lên Chính phủ, Đại sứ quán các nước thuộc khu vực Mekong, hướng tới xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhiều ý kiến phát biểu tại Diễn đàn đã khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam trong Tiểu vùng Mekong mở rộng. Theo TS. Nguyễn Hà Phương - Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: Với lợi thế về mọi mặt và sự nỗ lực hợp tác không ngừng, Việt Nam ngày càng có vị trí nổi bật trong việc kết nối các quốc gia trong GMS, bao gồm cả kết nối cứng và kết nối mềm.
Không chỉ đóng vai trò trong việc kết nối cứng và kết nối mềm trong GMS, Việt Nam còn là đối tác thương mại và đầu tư lớn của các nước GMS. Những lĩnh vực có triển vọng chủ yếu mà Việt Nam có thể hợp tác với các nước trong khối gồm: Giao thông vận tải; năng lượng; thương mại và đầu tư; nông nghiệp, du lịch.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện Đại sứ quán các nước đã trình bày những nội dung đáng chú ý về triển vọng hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong hậu Covid-19; việc tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế, nông nghiệp bền vững trong khu vực; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài; Tọa đàm về các chủ đề như hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, chính sách mới, môi trường đầu tư, trao đổi văn hóa, phát triển du lịch,…
Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn, Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt, có uy tín của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia.