Bá Thước (Thanh Hóa): “Tự ý” chuyển đổi hàng chục nghìn mét vuông đất rừng trái phép
Tiếng dân - Ngày đăng : 17:53, 23/09/2022
Theo tìm hiểu của Báo Tài nguyên và Môi trường, năm 2019, ông Phạm Hoàng Tuấn, thường trú tại thôn Đồng Chạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa có mua lại diện tích đất rừng sản xuất của gia đình ông Hoàng Sỹ Chưng, thường trú tại thôn Trung Sơn, xã Lương Trung. Sau đó được UBND huyện Bá Thước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CM 898517, cấp ngày 26/11/2019 tại thửa 243, Lô 10, K1, TK 299, Tờ Bản đồ số 1 với tổng diện tích 169.117,9 m2, loại đất sử dụng là đất rừng sản xuất.
Ngay sau khi có GCNQSDĐ, ông Phạm Hoàng Tuấn có đơn gửi UBND huyện Bá Thước xin đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất. Cũng trong năm 2020, UBND xã Lương Trung đã có Biên bản kiểm tra 2020 (không có ngày, tháng), đo đạc diện tích, xác minh hiện trạng thửa đất của gia đình ông Phạm Hoàng Tuấn. Kết quả hiện trạng thửa đất số 36, tờ bản đồ số 38 hiện nay do hộ ông Phạm Hoàng Tuấn là đất bằng đang sử dụng trồng cây hàng năm khác với tổng diện tích là 67.887,5 m2.
Ngày 10/8/2020, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bá Thước đã xác nhận lên GCNQSDĐ số CM 898517 với nội dung: Chuyển mục đích sử dụng đất hình thành thửa đất số 36 tờ bản đồ số 38, diện tích 67.887,5 m2 đất trồng cây hàng năm khác. Diện tích còn lại 101.229,5 m2 đất trồng rừng sản xuất.
Cũng trong ngày 10/8/2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước đã ký cấp GCNQSDĐ số CH 130531 tại thửa đất số 36, Tờ bản đồ số 38, diện tích 67.887,5 m2, mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm khác (BHK), thời hạn sử dụng 50 năm, kể từ năm 1994.
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Văn Quý, Phó Bí thư Thường trực và ông Trương Công Hùng, Cán bộ Địa chính xã Lương Trung cho biết: Trên địa bàn thôn Trung Sơn không có ai là tên là Phạm Hoàng Tuấn, ông Tuấn ở huyện Cẩm Thủy lên mua lại diện tích đất của ông Hoàng Sỹ Chưng để là trang trại, đây là khu đất rừng sản xuất nghèo kiệt, ông Chung có trồng keo, luồng. Sau này anh Phạm Hoàng Tuấn mua lại và có làm hồ sơ xin chuyển đổi một phần từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây hàng năm khác và đã được UBND huyện cấp GCNQSDĐ. Nhưng khi Phóng viên xin tiếp cận hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ thì ông Trương Công Hùng nói rằng: Sau khi xã ký xong, anh Phạm Hoàng Tuấn đã mang hết lên huyện, hiện xã không giữ hồ sơ gì (?).
Cũng về vấn đề này, ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: Việc UBND huyện chuyển đổi diện tích đất rừng sản xuất khi chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, huyện cũng đã chỉ đạo Thanh tra tiến hành làm rõ, nhưng mới chỉ có Báo cáo, sáng nay tôi chỉ đạo Thanh tra huyện phải có kết luận rõ ràng, sau khi có kết luận của Thanh tra huyện, tùy vào mức độ vi phạm của các cá nhân, tập thể sẽ tiến hành kiểm điểm, sau đó sẽ tiến hành thành lập hội đồng xử lý vi phạm. Bản thân tôi sẽ kiểm điểm sâu sắc trước Ban Thường vụ huyện ủy, vì tôi là người ký cấp GCNQSDĐ.
Câu hỏi được nhiều người dân đặt ra là tại sao trước đó, ngày 29/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3230/QĐ-UBND về Quy hoạch 3 loại rừng giai đoạn 2017- 2025, trong đó, đối với rừng sản xuất, huyện Bá Thước có 32.270,81 ha, quyết định này cũng đã được công bố công khai để thực hiện. Vậy tại sao UBND huyện Bá Thước lại không biết? Và khi thực hiện đăng ký biến động đất đai cho cá nhân ông Tuấn, chuyển mục đích sử dụng đất không có hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NN&PTNT Thanh Hóa chưa có ý kiến. Mặt khác, Chủ tịch UBND huyện cũng không có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây hàng năm khác sau khi đã được HĐND tỉnh quyết định chủ trương(!).
Rất mong UBND tỉnh và các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể vì lợi ích riêng mà cố tình vi phạm pháp luật./.
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin vấn đề này.
Tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định về chuyển mục đích sử dụng đất như sau: "1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: c) Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp; 2. Khi chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này thì người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được áp dụng theo loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng." |