Mỏ sắt Thạch Khê Hà Tĩnh - tiếp tục hay dừng khai thác?
Tài nguyên - Ngày đăng : 17:40, 23/09/2022
Đề xuất dừng khai thác, nên chăng?
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết: “Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc vào tháng 8/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nêu quan điểm của Đảng và Nhà nước “không hi sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường. Do vậy, các dự án kinh tế lớn cần được xem xét dưới nhiều góc độ, nhất là dưới góc độ kinh tế và môi trường”.
Theo PGS.TS Trần Bỉnh Chư - Tổng Hội Địa chất Việt Nam, điều kiện địa chất thủy văn - địa chất công trình mỏ sắt Thạch Khê cực kỳ phức tạp, nước dưới đất có quan hệ thủy lực với nước mặt. Tuy nhiên, tài nguyên địa chất của tụ khoáng sắt Thạch Khê rất lớn. Đặc điểm cấu trúc địa chất tụ khoáng sắt Thạch Khê hết sức phức tạp, và sâu lại gần biển, nằm dưới trầm tích bở rời. Hiện, chưa có một nước nào khai thác quặng sát bờ biển.
Con ông Nguyễn Hồng Phương - chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định: “Mỏ sắt Thạch Khê nằm trong vùng bị ảnh hưởng của 3 nguồn phát sinh động đất chính bao gồm đứt gãy Sông Cả, đứt gãy Khe Bố-Hà Tĩnh và đứt gãy Rào Nậy. Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê có thể gây ra động đất kích thích, còn hiểm họa sóng thần từ khu vực Biển Đông là hiện hữu đối với vùng bờ biển Thạch Hà và cần được tính đến cho mỏ sắt Thạch Khê”.
Đây là ý kiến khách quan được ông Phương đưa ra nhằm cảnh báo TKV nếu tiếp tục triển khai các dự án thì cần lên kịch bản ứng phó. Tuy vậy, theo ông, nguy cơ sóng thần ở khu vực này chỉ ở mức độ thấp và động đất kích thích chỉ xảy ra trên bề mặt ở độ sâu không quá 8 km.
Nguy cơ làm mất vốn Nhà nước nếu dừng dự án
Được biết, TKV và Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) đã triển khai Dự án theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Chính phủ, cũng như sự kêu gọi đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã mời đầu tư dự án, nhưng tại Hội thảo, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng là địa phương kiến nghị dừng đầu tư. Vậy, khoản đầu tư gần 2.000 tỷ, ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù nếu dự án dừng khai thác?
Ông Nguyễn Tiến Mạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định, việc dừng triển khai Dự án là không có cơ sở pháp lý; không có cơ sở về Kỹ thuật - Kinh tế - Môi trường.
Về cơ sở pháp lý, đến nay, Dự án đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của cấp thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản, nên không có cơ sở pháp lý để dừng dự án.
Dự án điều chỉnh, thiết kế kỹ thuật đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước do Bộ Công Thương chủ trì các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học đúng chuyên ngành thẩm định. Đặc biệt, thiết kế kỹ thuật đã được Công ty TNHH CBM về Tư vấn, Kinh doanh và Quản lý thuộc Cộng hòa Liên bang Đức thẩm định độc lập (theo chỉ đạo của Chính phủ); qua đó, khẳng định Dự án đảm bảo khả thi.
Dự án đã được Bộ TN&MT cấp Giấy phép khai thác; phê duyệt ĐTM; cấp Giấy phép xả thải. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt lộ trình đền bù, GPMB; các thủ tục về đấu nối giao thông đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt; Tổng Cục đường bộ Việt Nam chấp thuận.
Đồng thời, trong quá trình triển khai Dự án, Công ty đã thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu cổ đông, đảm bảo đủ cơ sở triển khai thực hiện.
Về các cơ sở về Kỹ thuật - Môi trường - Kinh tế của Dự án, trong quá trình đơn vị tư vấn lập Dự án, các cơ quan chức năng và địa phương thẩm định Dự án đã chỉ rõ Dự án đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo Phó Tổng Giám đốc TKV, nếu dừng dự án sẽ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, cụ thể, phá vỡ quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt, gây thiệt hại cho các đơn vị đã triển khai các Dự án luyện kim trên cả nước; phá vỡ quy hoạch phát triển tổng thể Kinh tế - Xã hội tỉnh Hà Tĩnh được Chính phủ phê duyệt; làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư; mất nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, địa phương.
Nhà nước còn phải bổ sung nguồn vốn để xử lý những tồn tại về tài chính, an sinh xã hội, công trình đầu tư xây dựng dở dang... Việc xử lý vốn đã đầu tư với số tiền 1.984 tỷ đồng sẽ hết sức khó khăn. Trong đó, vốn Nhà nước là 1.529,6 tỷ đồng, vốn góp của TKV là 1.076,33 tỷ đồng. Điều này có nguy cơ làm mất vốn Nhà nước. Đặc biệt là gây lãng phí nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư xây dựng 2 tuyến đường ngoài hàng rào phục vụ Dự án cũng như khó khăn trong việc xử lý khoản nợ các nhà thầu trong nước và nước ngoài, đặc biệt là Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê đang phải bị khởi kiện quốc tế.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh đề nghị tiếp tục triển khai dự án, do Dự án đã có đầy đủ cơ sở pháp lý. Hơn nữa, khi triển khai Dự án sẽ đem lại lợi ích lớn cho đất nước - doanh nghiệp - địa phương - người dân. Dự án sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định cho các cơ sở luyện kim trong nước (hiện, nhu cầu quặng sắt trong nước trên 17 triệu tấn, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 10%), qua đó, giảm nhập khẩu quặng sắt, đảm bảo nguyên liệu ổn định cho các nhà máy sản xuất thép; giảm lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài.
Bên lề Hội thảo, ông Phạm Lê Hùng - Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê cho biết, đã gửi Văn bản lên Văn phòng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đề nghị triển khai Dự án mỏ sắt Thạch Khê và giám sát kỹ, nếu để xảy ra các vi phạm, tùy từng mức độ để xử lý, nếu vi phạm nặng thì thu hồi giấy phép.
Về vấn đề dừng Dự án, Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam và ông Hùng cũng đã có văn bản, trong đó, khẳng định việc dừng là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Về vấn đề môi trường, dự án đã khoan với độ dài 72km, xét nghiệm khoan 16.500 mẫu đất, nước, các chất độc hại và đều ở chỉ số dưới mức cho phép. Hơn nữa, dự án không dùng bất cứ hóa chất nào trong khai thác nên không thể gây thảm họa môi trường.
Về hiệu quả kinh tế, nếu như dự án không dừng, đến ngày hôm nay, tính theo giá bình quân hàng năm (theo giá của năm 2016) thì dự án đã khai thác trên 18 triệu tấn, doanh thu hơn 45.000 tỷ đồng, mang về lợi nhuận khoảng 27.000 tỷ đồng mà vốn điều lệ có khoảng 2.400 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 9.000 tỷ đồng.
Về trách nhiệm của ai hay cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng mà các cổ đông đã đầu tư, ông Phạm Lê Hùng cho rằng, cơ quan nào ký quyết định dừng thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Các ý kiến đóng góp tại Hội thảo sẽ được báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. Trước đó, trong chuyến thị sát và làm việc tại Hà Tĩnh vào ngày 11/6/2022 về Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: “Việc quyết định dừng hay tiếp tục triển khai Dự án phải có đánh giá khoa học, khách quan; có đánh giá tác động tổng thể từ kinh tế đến tính chất xã hội, đời sống người dân, môi trường và các vấn đề liên quan, việc đánh giá cũng phải mang tính dự báo dài hạn”.
Theo dự tính của Bộ Công Thương, nếu Dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp khoảng 0,5% tăng trưởng GDP của cả nước; tạo việc làm cho hơn 3.500 lao động địa phương; lan tỏa các ngành nghề kinh doanh khác. Với giá bán bình quân theo dự án là 50 USD/tấn, tổng nộp ngân sách địa phương lớn hơn 98.000 tỷ đồng. Với giá bán bình quân hiện tại hơn 100 USD/tấn, tổng nộp ngân sách địa phương lớn hơn 176.000 tỷ đồng. Khi có chỉ đạo, TIC có thể khai thác, tiêu thụ ngay hơn 2,2 triệu tấn quặng; sẽ có doanh thu hơn 5.000 tỷ đồng, đóng góp ngay cho ngân sách hơn 1.500 tỷ đồng.