Chú trọng giám sát việc tiếp nhận, mua vaccine và trang thiết bị y tế

Trong nước - Ngày đăng : 17:34, 23/09/2022

(TN&MT) - Ngày 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Giám sát trực tiếp tại 14 Bộ, ngành, 12 địa phương

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát trình bày báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác triển khai, Kế hoạch chi tiết và các Đề cương báo cáo giám sát. Theo đó, mục đích giám sát nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình và kết quả thực hiện: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

t.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Yêu cầu giám sát bám sát chủ trương của Đảng, các quy định của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; về công tác y tế cơ sở và y tế dự phòng. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội.

Về nội dung giám sát, căn cứ các văn bản hiện hành của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, nội dung giám sát tập trung vào việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; Việc tổ chức hệ thống y tế cơ sở, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế cơ sở; việc tổ chức bộ máy y tế dự phòng, điều kiện đảm bảo và công tác tổ chức thực hiện các quy định về y tế dự phòng.

Đoàn giám sát cũng tổ chức 1 Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng và phòng, chống dịch; làm việc với Chính phủ, báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2023 trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

y.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Nguyễn Phú Cường trình bày dự thảo Kế hoạch giám sát. Ảnh: quochoi.vn

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng Đoàn thường trực đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo về Kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo, các phụ lục kèm theo; đồng thời cho ý kiến về 4 vấn đề:

Đoàn giám sát dự kiến giám sát trực tiếp tại 14 Bộ, ngành, 12 địa phương. Cụ thể, 14 Bộ, ngành gồm gồm: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Nội vụ, Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

12 địa phương gồm: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Yên Bái, Nghệ An, Huế (hoặc Đà Nẵng), Kon Tum, Phú Yên, An Giang (hoặc Đồng Tháp), Cần Thơ, Tây Ninh (hoặc Bà rịa - Vũng tàu).

Tập trung giám sát việc nghiên cứu, sản xuất vaccine

Phát biểu tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức các phiên họp, ban hành kế hoạch, đề cương, phân công chi tiết đầy đủ. Đây cũng là chuyên đề rất thời sự, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân, nếu làm tốt sẽ góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội cũng như được cử tri đánh giá cao.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Đoàn giám sát quan tâm một số nội dung, nhất là việc huy động các nguồn lực phòng chống dịch, trong đó, có nguồn lực từ các tập thể, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ; chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, y tế cơ sở có nhiều vấn đề cần quan tâm, xem xét. Vì vậy, đề nghị cân nhắc phương pháp, cách thức giám sát, bố trí thời gian giám sát ở địa phương cho phù hợp, trong đó cần thành lập các tổ giúp việc Đoàn giám sát…

r.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu một số thuận lợi của Đoàn giám sát đó là Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong đó có tổng kết thực hiện Luật, trong đó, có nội dung về y tế cơ sở, giúp giảm thời gian nghiên cứu, khảo sát cho Đoàn giám sát. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thanh tra Chính phủ và các cơ quan kiểm tra, điều tra, báo cáo của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về nội dung này. Vì vậy trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra, Đoàn giám sát của Quốc hội đi sâu xem xét, đánh giá theo chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội.

Chức năng của Quốc hội là thể chế hoá chủ trương của Đảng bằng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Đoàn giám sát cần tổng hợp chủ trương, pháp luật, chính sách liên quan đến nội dung giám sát để có cơ sở, căn cứ để đánh giá, trong đó, xác định văn bản gốc để làm căn cứ thực hiện giám sát.

Bên cạnh đó, cần làm sâu sắc hơn việc tổ chức thực hiện các Luật trong lĩnh vực y tế, như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Dược; Luật Bảo hiểm y tế; ngân sách chi cho y tế dự phòng; việc thực hiện huy động nguồn lực theo nghị quyết của Trung ương và các Nghị quyết của UBTVQH liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng giám sát của Quốc hội là trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp, của Chính phủ. Trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan liên quan đã thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay chưa, kết quả đạt được, vấn đề còn hạn chế, yếu kém, trách nhiệm của các cơ quan như thế nào, nếu sai phạm đề xuất các cơ quan khác vào cuộc.

Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, có nguồn lực trong nước và nước ngoài. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối việc huy động nguồn lực nước ngoài cần chú trọng giám sát việc tiếp nhận, mua vaccine, trang thiết bị y tế, việc phân phối, sử dụng. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung giám sát việc nghiên cứu, sản xuất, chế biến, chế tạo vật tư, vaccine, thiết bị sản xuất trong nước, vấn đề tự lực, tự cường trong phòng chống dịch. Việc giám sát cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, trong đó chú trọng quan tâm đến việc sử dụng nguồn lực của nhà nước.

Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tập trung vào mô hình tổ chức trong đó làm rõ mô hình Trung tâm y tế huyện trực thuộc đơn vị nào, cấp chính quyền địa phương hay Sở Y tế; xem xét nhân lực đối với hệ thống y tế xã có phù hợp với điều kiện xảy ra dịch bệnh và hoạt động bình thường hay không; hiệu quả của mô hình y tế phường, xã gắn với mô hình bác sỹ gia đình.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, việc giám sát cần làm rõ thực trạng địa phương bố trí vốn cho y tế dự phòng như thế nào (có đảm bảo bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế dành cho y tế dự phòng). Đoàn giám sát lý giải nguyên nhân vì sao gói hỗ trợ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 tăng cường đầu tư cho y tế dự phòng lại không sử dụng hết, do không có nhu cầu, không quan tâm bố trí hay do không chuẩn bị đầu tư kịp; đồng thời kiến nghị đầu tư cho y tế cơ sở và y tế dự phòng trong thời gian tới…

k.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Đoàn giám sát khẩn trương triển khai các công việc, chuẩn bị tài liệu cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không bắt buộc Thường trực Hội đồng nhân dân có báo cáo riêng, mà Đoàn đại biểu Quốc hội chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát và có báo cáo chung, nhưng khuyến khích Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố có báo cáo riêng và tổ chức giám sát riêng.

Về nội dung làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương có đề cương chi tiết, có câu hỏi, nội dung cần phải làm rõ, không tiến hành giống nhau với tất cả các cơ quan. Trong quá trình thực hiện, ưu tiên giám sát tại địa phương có vấn đề nổi cộm và có điều phối chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh sự trùng lặp, chồng chéo với các hoạt động khác của Quốc hội tại địa phương và không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, địa phương…

Thanh Tùng