Sơn La: Chú trọng bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 16:02, 22/09/2022

(TN&MT) - Là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú với trên 150 mỏ khoáng sản đã được quy hoạch, những năm qua, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư thực hiện thăm dò, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Sơn La đã cấp 5 giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng 2 điểm mỏ; cấp 3 giấy phép khai thác; phê duyệt 1 đề án đóng cửa mỏ; thu hồi 1 giấy phép khai thác; tạm dừng hoạt động 2 giấy phép... Hiện, toàn tỉnh có 5 giấy phép thăm dò khoáng sản, 42 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

a1.jpeg

Sơn La tổ chức Hội nghị ký cam kết về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường giữa các Chủ giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Thực hiện quản lý Nhà nước lĩnh vực khoáng sản, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư thực hiện thăm dò, khai thác khoáng sản trên quan điểm: Khai thác khoáng sản lấy hiệu quả KT-XH và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.

Công tác quy hoạch khoáng sản được triển khai đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên phát triển mỏ với các vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhu cầu sử dụng VLXD thông thường để phát triển KT-XH của tỉnh. Quá tình triển khai lập quy hoạch đã đánh giá tác động của việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm VLXD đến phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh, môi trường, đa dạng sinh học, cảnh quan và dịch vụ hệ sinh thái.

Công tác quản lý khoáng sản được nâng cao, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản sau khai thác, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác. Tỉnh cũng chú trọng kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô công nghệ khai thác từ khâu lập dự án đầu tư, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản để tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường. Với các Giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực, Sở TN&MT đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị về trình tự, thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường.

Cùng với đó, Sở TN&MT đã tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về khoáng sản, bảo vệ môi trường, trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm, Sở TN&MT đã triển khai 58 cuộc thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên, môi trường; ban hành và tham mưu ban hành 40 quyết định xử phạt vi phạm về khoáng sản, môi trường, đất đai, tài nguyên nước với tổng tiền phạt hơn 6,7 tỷ đồng.

a2.jpg

Tỉnh Sơn La tăng cường quản lý khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Một trong những giải pháp để tạo đột phá là từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ký cam kết về quản lý, khai thác khoáng sản và bảo vệ môi trường giữa các Chủ giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh; ban hành quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về khoáng sản; phối hợp trong quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh với các tỉnh. Qua đó, đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý khoáng sản, cũng như nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản.

Nhìn chung, thời gian qua, các Chủ giấy phép khai thác khoáng sản cơ bản chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, đất đai, môi trường và pháp luật có liên quan; thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung Giấy phép khai thác khoáng sản; chủ động khắc phục các hạn chế, vi phạm và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong quá trình thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản; sử dụng công nghệ, lắp đặt các thiết bị theo quy định, vật liệu thân thiện với môi trường; ngăn ngừa giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; chủ động cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản, một số Chủ giấy phép qua thanh tra, kiểm tra còn có một số tồn tại, hạn chế như: Khai thác không đúng trình tự khai thác, hệ thống khai thác theo thiết kế mỏ đã được phê duyệt; khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; thực hiện quan trắc môi trường không đúng về tần suất, thông số theo kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; đổ, thải chất thải rắn công nghiệp thông thường không đúng quy định về bảo vệ môi trường….

Những tháng cuối năm 2022, để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, Sở TN&MT đã xây dựng kế hoạch rà soát, đôn đốc các khu vực chuẩn bị kết thúc khai thác phải lên được lộ trình, kế hoạch hoàn nguyên môi trường và có sự giám sát chặt chẽ của ngành chức năng; yêu cầu Chủ giấy phép thực hiện khai thác đúng thiết kế, chấp hành đúng quy định về bảo vệ môi trường…. Đối với các mỏ chưa có nhà đầu tư quan tâm, Sở TN&MT đã có văn bản gửi tới UBND các huyện, thành phố tổ chức kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng để cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong tham mưu cấp phép hoạt động khoáng sản, cắt giảm tối đa thời gian thẩm định để sớm tham mưu trình UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, không để xảy ra tình trạng khan hiếm VLXD, góp phần bình ổn giá thị trường VLXD.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân với hoạt động khoáng sản. Thực hiện nghiêm quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về khoáng sản; phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; cam kết về tăng cường vai trò trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; cam kết về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường giữa chủ các giấy phép khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh.

Nguyễn Nga