Phục hồi hệ sinh thái nguy cấp, trọng điểm - Miền Trung hành động để bảo vệ đa dạng sinh học

Môi trường - Ngày đăng : 10:16, 22/09/2022

(TN&MT) - Với địa hình đa dạng, phong phú, miền Trung là khu vực có độ ĐDSH cao, tuy nhiên, từ nhiều lý do khác nhau, ĐDSH có nguy cơ suy giảm đáng báo động. Hiện nay, nhiều địa phương đang nỗ lực hành động, triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm bảo tồn động vật hoang dã và các hệ sinh thái quan trọng.

Bảo vệ nghiêm ngặt

Hiện nay, khu vực miền Trung có rất nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn được quốc tế công nhận, đây cũng là nơi phát hiện các loài sinh vật mới, nơi cư trú của các loài nguy cấp quý hiếm. Theo ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc Gia Pù Mát (Nghệ An), nơi đây có tính ĐDSH cao với nhiều loài động vật, thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây: 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật…

89-1-.jpg

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát tuần tra rừng

Để bảo vệ động vật hoang dã tại 2 khu vực đặc biệt, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát đã thành lập 2 tổ bảo vệ rừng với 12 thành viên. Tổ Cò Phạt có 6 thành viên làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ khu vực bảo vệ đặc biệt Khe Bống. Tổ Khe Choăng có 6 thành viên làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ khu vực bảo vệ đặc biệt Khe Choăng. Mỗi thành viên của các tổ bảo vệ rừng tổ chức tuần tra 15 ngày/tháng. Nhờ vậy, sự tác động của người dân vào 2 khu vực bảo vệ đặc biệt đã giảm rõ rệt, từ năm 2020 đến nay, tác động của người dân chỉ còn là những dấu vết để lại trong quá trình di chuyển lấy măng, cây thuốc. Điều này cho thấy, 2 khu vực này đã được bảo vệ tốt, đảm bảo môi trường sống an toàn cho các loài động, thực vật ở đây.

Ban Quản lý Vườn Quốc gia cũng tăng cường lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách với Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam (SVW) hỗ trợ kinh phí tuyển dụng, hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và thành lập Đội chống săn trộm (Anti Poaching) với tổng số 16 thành viên để phối hợp với kiểm lâm Pù Mát tuần tra bảo vệ rừng, tháo gỡ bẫy thú, xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. Mỗi thành viên Đội chống săn trộm sẽ phối hợp với kiểm lâm Vườn Quốc gia tuần tra bảo vệ rừng tối thiểu 15 ngày/tháng.

Đến nay, Vườn Quốc gia Pù Mát trở thành khu rừng đặc dụng đầu tiên của Việt Nam có 100% kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng và người dân tham gia bảo vệ rừng sử dụng SMART - phần mềm giám sát ĐDSH. Việc áp dụng này đã hỗ trợ rất lớn cho công tác đánh giá kết quả tuần tra và lập kế hoạch quản lý toàn bộ diện tích rừng được giao.

Tương tự, Vườn Quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) là khu rừng nguyên sinh được địa phương bảo vệ nghiêm ngặt từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, với trên 37.487ha, đây là Vườn Quốc gia có diện lớn nhất cả nước được Bộ NN&PTNT phê duyệt Phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững, giai đoạn 2021 - 2030; trong đó, có quy hoạch phát triển 14 tuyến và 12 khu vực tổ chức du lịch sinh thái với tổng diện tích hơn 1.716ha.

“Thời gian tới, Vườn Quốc gia Bạch Mã sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm trực tiếp đối thoại với các hộ dân chuyên sống dựa vào rừng, thường xuyên có hành vi xâm hại tài nguyên rừng để vận động ký cam kết không vi phạm những quy định và thực hiện chuyển đổi sang ngành nghề khác. Đồng thời, phối hợp với công an và các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, nhất là những hành vi liên quan đến săn bắt, giết hại động vật hoang dã để bảo vệ, bảo tồn các loài động vật quý hiếm...”, ông Linh chia sẻ.

Nỗ lực phục hồi

Hiện khu vực miền Trung có 8 vườn quốc gia, 19 khu dự trữ thiên nhiên, 4 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 19 khu bảo vệ cảnh quan và 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việc thành lập hàng loạt các khu bảo tồn, khu dự trữ sinh quyển là một trong những nỗ lực trong công tác bảo tồn ĐDSH của các địa phương trong thời gian qua. Các hoạt động bảo vệ, duy trì các khu rừng tự nhiên còn lại, khôi phục và mở rộng môi trường sống cho các loài động, thực vật được coi là cần thiết để bảo tồn ĐDSH khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử phạt các hoạt động buôn bán động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, loài quý hiếm có nguy cơ tiệt chủng cũng được nhiều địa phương chú trọng.

ThS. Nguyễn Thị Kim Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho biết, từ năm 2018 đến 2020, Công an TP. Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý 13 vụ liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ, tổng số tiền xử phạt là 142.500.000 đồng. Đồng thời, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ án ngà voi, sừng tê giác nhập khẩu qua cảng Tiên Sa, TP. Đà Nẵng.

Trong khi đó, tỉnh Phú Yên lại chú trọng đến công tác triển khai hệ thống pháp luật về ĐDSH để bảo vệ hệ sinh thái đa dạng. Đến nay, tỉnh Phú Yên đã hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng và dân sinh phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu. Địa phương cũng đưa ra phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; Quản lý rừng bền vững; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; trồng và phục hồi rừng, chú trọng phát triển rừng trồng gỗ lớn; ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng; Bảo vệ, phục hồi, trồng mới và nâng cao chất lượng rừng ven biển (bao gồm rừng ngập mặn), đặc biệt là ở vùng cửa sông và ven biển.

Ngoài ra, các hoạt động như hỗ trợ xúc tiến tái sinh tự nhiên, thích ứng dựa vào cộng đồng, thích ứng dựa vào sinh thái thông qua phát triển dịch vụ hệ sinh thái, bảo tồn ĐDSH, trong đó, ưu tiên bảo tồn nguồn gen, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng và các hệ sinh thái quan trọng cũng được địa phương hết sức chú trọng để bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái bền vững.

Tiệp Dinh Bình