Tham vấn chuyên gia luật quốc tế về xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 12:55, 21/09/2022
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh và Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến đồng chủ trì cuộc họp.
Về phía WB có ông Stephen Hodgson - Chuyên gia về luật nước và môi trường quốc tế. Ông Stephen Hodgson đã có nhiều kinh nghiệm làm việc xây dựng luật về nước tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Liên Minh châu Âu (Anh, Bỉ, Ukraina), Châu Phi, Châu Á (Pakistan, Bhutan, Campuchia,...).
Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận chi tiết về nội dung dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì xây dựng. Đặc biệt là các nội dung trao đổi, phân tích chuyên sâu về kinh tế nước, giá trị của nước, tài chính nước, ….
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, một trong những điều mà dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) hướng đến là xác định rõ vai trò, giá trị kinh tế của tài nguyên nước. Việc sử dụng nước là bình đẳng đối với mọi trường hợp khai thác, sử dụng và hưởng lợi từ nước nhằm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi cũng hướng đến mở rộng cấp giấy phép tài nguyên nước theo các quy mô đối với những trường hợp khai thác, sử dụng nước mặt nước (trên sông, ven sông, hồ chứa,…) ảnh hưởng tới việc thay đổi, thu hẹp dòng chảy nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Lãnh đạo Cục và các cán bộ tham dự đề nghị phía chuyên gia WB chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cách tính phí nước,…
Ông Stephen Hodgson cho rằng, tài nguyên nước về bản chất là một loại hàng hóa thị trường mang những tính chất đặc biệt. Tính chất đặc biệt của hàng hóa nước được thể hiện ở việc coi nước là một hàng hóa công, tư, hay một dạng hàng hóa bán công/tư, việc phân loại này sẽ phụ thuộc vào nguồn nước, mục đích sử dụng cũng như bối cảnh cụ thể của từng quốc gia.
Theo đó, làm tốt vấn đề kinh tế nước sẽ quyết định thái độ sử dụng nước. Nếu coi nước là hàng hóa không có giá trị, “cho không” thì sẽ dẫn đến sử dụng kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên nước. Luật nên quy định rõ mọi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước thì phải có nghĩa vụ đóng góp tài chính để bảo vệ tài nguyên nước. Đồng thời, các khoản thu tài chính tối thiểu phải bằng chi phí bỏ ra để quản lý tài nguyên nước.
Việt Nam được xem là nước xuất khẩu nhiều nước nhất thế giới (xét về khía cạnh đóng góp của tài nguyên nước đối với các mặt hàng hoá được xuất khẩu). Do vậy, để đạt được an ninh nguồn nước, Việt Nam cần phải có những hành động kịp thời để tính đúng, tính đủ giá trị của nước dựa trên nguyên tắc người sử dụng, người hưởng lợi từ nước phải trả phí.
Bên cạnh đó, cần làm rõ vai trò của tài nguyên nước trong nền kinh tế, coi nước là một sản phẩm đầu vào. Các quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch tổng thể phải tính đến giá trị tài nguyên nước đóng góp vào các hoạt động kinh tế - xã hội.
Báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có thích ứng, sạch và an toàn” của WB năm 2019 cũng cho thấy, với mỗi đơn vị (m3) nước, Việt Nam chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP, khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 đôla. Khi nguồn tài nguyên nước bị hạn chế, cần chú trọng hơn đến hiệu suất sử dụng nước, tạo ra nhiều giá trị hơn trên mỗi đơn vị nước sử dụng cùng với đảm bảo giảm nhu cầu nước tổng thể.