Tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác

Trong nước - Ngày đăng : 17:55, 20/09/2022

(TN&MT) - Ngày 20/9, tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề Pháp luật tháng 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Hợp tác xã (HTX) hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho sự phát triển của các tổ chức kinh tế hợp tác trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế, sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dự án luật bám sát, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể ở nước ta trong thời gian tới; đặc biệt là thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; kế thừa tối đa quy định của Luật HTX năm 2012 còn phù hợp, đang có hiệu lực, hiệu quả; giữ vững các nguyên tắc cơ bản của mô hình kinh tế hợp tác do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ XXI;…

1(2).jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) trình Quốc hội bao gồm 12 Chương, 117 Điều (Luật HTX năm 2012 gồm 9 Chương, 64 Điều), bám sát 5 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật HTX (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, bao gồm: Hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên HTX; Mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; Mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho HTX phát triển; Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành HTX; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể.

Liên quan đến các nội dung xin ý kiến, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về tên dự án Luật. Theo đó, Chính phủ lựa chọn phương án đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác bởi các lý do sau: Phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20-NQ/TW xác định: “kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...)”; Phù hợp với đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật; Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, bản chất của mô hình kinh tế hợp tác, đề cao tinh thần “hợp tác” giữa các thành viên; Phù hợp với quy định về “sở hữu” của Bộ luật Dân sự năm 2015; Được Chính phủ thống nhất và được đa số các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương nhất trí;...

i.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra dự án Luật. Ảnh: quochoi.vn

Thẩm tra sơ bộ dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Hợp tác xã (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy việc phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Liên quan đến tên gọi của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc giữ tên như đã đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), theo đó xác định vai trò nòng cốt của các Hợp tác xã (HTX) với các loại hình HTX, một mặt vẫn bảo đảm bao quát được phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng đối với các loại hình HTX, mặt khác tránh việc thay đổi tên gọi dẫn đến các chi phí xã hội và hệ lụy phát sinh liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, rà soát về dẫn chiếu trong các văn bản pháp luật hiện hành.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu phù hợp với tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi); đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất một cách đầy đủ những quy định khác nhau giữa Luật này và các luật liên quan, từ đó làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định những nội dung đặc thù đối với HTX quy định ngay tại dự thảo Luật này hay dẫn chiếu hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, các nội dung quy định về Tổ hợp tác còn khá mờ nhạt, chưa đủ cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định; đề nghị bổ sung làm rõ điều kiện để chuyển đổi Tổ hợp tác thành HTX như các điều kiện về số lượng thành viên, nguồn lực tài chính, tài sản, quy mô hoạt động…; điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác giữa các thành viên Tổ hợp tác; việc đăng ký của Tổ hợp tác để làm cơ sở cho công tác thống kê và quản lý nhà nước đối với Tổ hợp tác.

Thống nhất giữ tên gọi là Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình và kết quả chuẩn bị dự án Luật này của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị rất công phu trên cơ sở có thuận lợi lớn là Trung ương vừa tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 về kinh tế hợp tác, HTX và mới ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

q.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, so với lần trình trước, nội dung dự thảo Luật lần này đã tiến rất xa, có nhiều điểm mới, nội dung chính sách đầy đặn. Với sự chuẩn bị như vậy, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra, có thể tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thảo luận đúng thời hạn.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình giữ tên gọi là Luật HTX (sửa đổi) vì khái niệm hợp tác xã gắn với lịch sử phát triển, các Luật ban hành năm 1996, 2003, 2012 đều lấy tên là Luật HTX. Quốc tế có Liên minh HTX, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có tổ chức này; khái niệm HTX đã đi sâu vào tiềm thức, bao gồm cả truyền thông và pháp luật dẫn chiếu cũng rất thuận lợi. Hơn thế, tuy tên gọi là Luật HTX, nhưng không ngăn cản việc bổ sung phạm vi điều chỉnh, ví dụ phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế bao gồm thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước.

Liên quan đến sự phù hợp với quy định của pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên có thống kê đánh giá kỹ lưỡng hơn, thống kê các điều khoản liên quan trong Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… rà soát lại tính đồng bộ giữa các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm tính tuân thủ của hệ thống pháp luật. Về phạm vi điều chỉnh, vẫn chủ yếu tập trung cho nội hàm HTX. Riêng Tổ hợp tác hiện được quy định tại Bộ luật Dân sự và có Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 về Tổ hợp tác của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội mong muốn trong dự thảo Luật có một số điểm về nguyên tắc của Tổ hợp tác và bảo đảm không trái với Bộ luật Dân sự, làm căn cứ cho Chính phủ hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 77/2019/NĐ-CP.

Về Liên đoàn HTX, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên có chính sách thí điểm trước, sau đó mới xem xét việc có luật hóa hay không, vì hiện tại chưa đủ cơ sở về lý luận và thực tiễn. Mô hình này vừa có tư cách pháp nhân, tổ chức kinh tế nhưng lại có tính chất như tổ chức xã hội, nghề nghiệp.

Cũng cho ý kiến về tên gọi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hình thức HTX vẫn là nòng cốt. Còn liên đoàn, liên hiệp HTX là những hình thức phái sinh từ HTX; theo định nghĩa trong Luật, mặc dù có những chế định, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhưng cũng là tổ chức phái sinh của HTX. Cùng với đó, tên gọi Luật HTX đã rất quen thuộc và đi vào tiềm thức của người dân.

h.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Kết luận nội dung phiên họp, liên quan đến tên gọi của luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, cần thiết có thể đưa ra 2 phương án để xin ý kiến song phải làm rõ luận cứ; tiếp tục rà soát phạm vi đối tượng điều chỉnh để bảo đảm bao quát.

Đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện dự án luật đủ điều kiện trình Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của các cơ quan thẩm tra tập trung vào một số vấn đề như vai trò, vị trí pháp lý, nhiệm vụ của tổ chức đại diện của Liên minh HTX; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; rà soát các quy định về tổ chức quản lý, quản trị, người đại diện theo pháp luật, cụ thể cho từng trường hợp, mô hình hoạt động; quy định về gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường, số lượng thành viên, thủ tục đăng ký thành lập, giải thể; về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ nhà nước; về chế độ kế toán, kiểm toán, thông tin báo cáo; phân định quản lý nhà nước.

Thanh Tùng