Đôn đốc các địa phương chậm tiến độ thực hiện Dự án VILG
Đất đai - Ngày đăng : 14:06, 20/09/2022
Dự án VILG là Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB, được thực hiện trong thời gian từ tháng 3/2017, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia.
Theo đó, Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phầm mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…
Báo cáo về tình hình triển khai Dự án, ông Chu An Trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VILG cấp Trung ương cho biết, về hợp phần tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai, Dự án đã hoàn thành Sổ tay hướng dẫn dịch vụ công về đất đai để đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng dẫn thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về đất đai.
Về hợp phần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDL) và vận hành trên hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS), khối lượng xây dựng CSDL sau điều chỉnh là 250 huyện (trong đó xây dựng mới CSDL 160 huyện và chuyển đổi CSDL 90 huyện), thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi CSDL là 90 huyện). Đến nay, tổng số huyện thực hiện công tác xây dựng CSDL đất đai có sự điều chỉnh còn 237 huyện (giảm 13 huyện của 4 tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Kiên Giang, Nghệ An).
Theo đó, 215/237 huyện đã ký hợp đồng dịch vụ kỹ thuật thi công xây dựng CSDL và đang triển khai xây dựng CSDL đất đai (đạt 90%), trong đó 52 huyện đã hoàn thành đầy đủ 4 thành phần CSDL: địa chính; thống kê, kiểm kê đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất (đạt 22%). 22/237 huyện còn lại dự kiến sẽ ký hợp đồng trong tháng 9/2022.
Đến nay, 184/250 huyện thuộc 28/30 tỉnh, thành phố tham gia Dự án đã vận hành CSDL kết nối CSDL đất đai quốc gia. Trong đó, có 15 tỉnh đã hoàn thành kết nối toàn bộ các huyện tham gia dự án. Có 12 huyện ngoài dự án của các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Cần Thơ kết nối CSDL đất đai quốc gia.
Ngoài ra, 14/30 tỉnh kết nối liên thông thuế điện tử; 10/30 tỉnh kết nối hệ thống 1 cửa điện tử; 30/30 tỉnh thuộc Dự án đã thực hiện kết nối dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai cấp độ 4.
Cũng theo ông Chu An Trường, năm 2022, trong thời gian gia hạn Dự án, Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương sẽ tập trung vào theo dõi, hướng dẫn, giám sát việc kiểm tra nội dung của các tỉnh đang triển khai. Ở địa phương, theo kế hoạch trong tháng 12/2022 sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số của các tỉnh theo cam kết đối với Ngân hàng thế giới; tháng 9/2022 sẽ hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thuầu và ký kết hợp đồng xây dựng CSDL cho các huyện chưa thực hiện; tháng 9/2022 hoàn thành kết nối CSDL đất đai thường xuyên cho 17/30 tỉnh, thành phố còn lại trong Dự án (tương ứng 173 huyện, thị); tháng 12/2022 hoàn thành được CSDL của 180/237 huyện của 30 tỉnh, các huyện còn lại sẽ hoàn thành trong quý I, II năm 2023; trong năm 2022 sẽ hoàn thành kết nối hệ thống 1 cửa hành chính công điện tử, kết nối liên thông thuế điện tử tại các tỉnh còn lại thuộc dự án.
Tại buổi làm việc, các đại biểu khẳng định sẽ phối hợp tích cực với Tổng cục Quản lý đất đai trong việc thực hiện Dự án và bàn về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ Dự án. Trong đó cần sớm hoàn thành việc điều chỉnh Hiệp định tài trợ sửa đổi Dự án VILG để trình Chính phủ; yêu cầu các UBND các tỉnh, thành tham gia Dự án khẩn trương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành Dự án trong thời gian được gia hạn…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, đây là một Dự án rất quan trọng phục vụ công tác quản lý Nhà nước về đất đai được tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiện đại và là một trong những giải pháp, mục tiêu mà Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai, Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương đẩy mạnh việc đôn đốc về việc triển khai các hạng mục của dự án của các địa phương, nhất là các địa phương chậm tiến độ...