Để bảo vệ môi trường ngày càng thực chất

Môi trường - Ngày đăng : 12:50, 20/09/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, Bộ TN&MT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường (BVMT), đặc biệt tập trung vào các hoạt động truyền thông. Qua đó, thu hút có hiệu quả sự tham gia của các tổ chức quần chúng, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội; công tác BVMT đã có những thay đổi đáng kể, ngày càng đi vào thực chất.

Tuyên truyền thực chất, động viên kịp thời

Nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia BVMT, năm 2016 là năm đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức phát động “Tháng hành động vì môi trường” với nhiều sự kiện, hoạt động thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng, người dân và đạt được nhiều kết quả nổi bật. “Tháng hành động vì môi trường” đã được duy trì liên tục từ năm 2016 cho đến nay. Việc tổ chức các sự kiện môi trường khác như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ 3 tháng 9), Ngày Trái Đất (22/4), Ngày Đa dạng sinh học thế giới (22/5), Giải thưởng Môi trường Việt Nam, Liên hoan phim môi trường,… ngày càng được nhiều bộ, ngành và địa phương hưởng ứng với các hoạt động tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, hình thức phong phú, hấp dẫn.

anh-5.jpg

Đông đảo người dân tham gia dọn rác tại bãi biển Diễn Thành.

Cùng với đó các hình thức thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin được đẩy mạnh; mỗi năm tổ chức sản xuất trên 50 chương trình truyền hình, phát thanh chuyên đề trên Kênh truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam, hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc tuyên truyền về BVMT. Hằng tháng, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có hàng trăm lượt tin, bài phản ánh đa dạng và chuyên sâu về các vấn đề môi trường; các cơ quan thông tấn báo chí đã dành thời lượng xứng đáng trong ngày, trong tuần cho các chuyên mục, chuyên trang, chương trình về môi trường; kịp thời phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường, sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, đồng thời, nêu gương các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt về BVMT. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương, qua đó giúp triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ BVMT hằng năm.

Bên cạnh đó, việc tăng cường giáo dục môi trường trong các trường học tiếp tục được chú trọng thông qua triển khai Đề án “Đưa các nội dung BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Đến nay đã xây dựng được các chương trình, giáo trình, tài liệu tích hợp các nội dung BVMT, xây dựng các băng hình, truyện tranh, pano, áp phích về giáo dục BVMT phục vụ công tác giảng dạy - học tập trong các trường học trên phạm vi cả nước.

Để động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động BVMT, giai đoạn 2016 - 2022, Bộ TN&MT đã tổ chức 3 kỳ Giải thưởng Môi trường vinh danh 117 tổ chức, cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp có thành tích tiêu biểu, xuất sắc về BVMT.

a-1.jpg
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn được đông đảo người dân hưởng ứng

Huy động toàn dân tham gia

Bộ TN&MT cũng phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký kết các Chương trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực TN&MT cho giai đoạn 2016 - 2020, 2021 - 2025 nhằm huy động sức mạnh toàn dân tham gia quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hợp lý và BVMT, ứng phó với BĐKH, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết liên tịch về phối hợp hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững đất nước với 8 tổ chức chính trị - xã hội 31. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Trung ương các đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã phối hợp triển khai Chương trình phối hợp giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT và ứng phó với BĐKH giai đoạn 2017 - 2019.

Ở địa phương, hầu hết các Sở TN&MT đã ký kết các Chương trình phối hợp, Nghị quyết liên tịch với các cấp Hội địa phương. Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg, các địa phương cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về BVMT. Theo thống kê của Bộ TN&MT, đến hết năm 2017, trên cả nước có 14 địa phương ban hành Nghị quyết chuyên đề về BVMT bao gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Đắk Nông, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Trị, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Hà Nội. Qua đó, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư vào các hoạt động bảo vệ môi trường ở Trung ương cũng như ở địa phương đã ngày càng phát triển và đi vào thực chất, có định hướng rõ hơn về nội dung, phong phú hơn về hình thức. Nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục môi trường của các tổ chức chính trị - xã hội không còn dừng lại ở mức nâng cao nhận thức mà đã tập trung vào tuyên truyền các phương pháp, kỹ năng thực hiện hành động BVMT, thực hiện các mô hình truyền thông lồng ghép trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình, phong trào BVMT hiệu quả như: mô hình “dòng sông không rác” của Nam Định; mô hình “biến bãi rác thành vườn hoa” tại Đồng Tháp; mô hình trồng hoa, cây xanh “Từ nhà ra ruộng”, hai bên đường giao thông (Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đồng Nai, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long...); mô hình “tôn giáo tham gia BVMT, giảm nghèo bền vững” tại Hậu Giang, Thanh Hóa, Nam Định…; mô hình tuyến đường hoa ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hậu Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Nai.

Một số làng nghề áp dụng công nghệ, công đoạn sản xuất tiên tiến nhằm hạn chế phát thải chất thải ra môi trường như làng nghề gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội; làng nghề bánh đa Kế, TP. Bắc Giang; làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nhiều mô hình khu công nghiệp sinh thái hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững được hình thành, phát triển trên cả nước.

Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2022, lĩnh vực môi trường đã thu hút, huy động có hiệu quả sự tham gia của các tổ chức quần chúng, cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhận thức về BVMT đã nâng lên tầm cao mới.

Thảo Linh