Mai Sơn (Sơn La): Giao ban công tác tài nguyên, môi trường 9 tháng đầu năm 2022

Tài nguyên - Ngày đăng : 10:46, 20/09/2022

(TN&MT) - UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vừa tổ chức Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, giao ban công tác tài nguyên môi trường 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022. Bà Hoàng Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các phòng, ban chuyên môn của huyện; lãnh đạo UBND, công chức địa chính – xây dựng – môi trường 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

a1.jpg

Quang cảnh Hội nghị.

Báo cáo nhanh kết quả triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường 9 tháng đầu năm, ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện cho biết: Trong 9 tháng đầu năm, Phòng TN&MT đã tham mưu trình UBND huyện ban hành 5 kế hoạch triển khai quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường; trên 15 văn bản chỉ đạo, đôn đốc UBND cấp xã tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tổ chức hội nghị ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2022.

Đến nay, Mai Sơn đã hoàn thiện dự án Lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1025/QĐ-UBND ngày 8/6/2022. Đã thẩm định, phê duyệt hơn 250 hồ sơ về lĩnh vực đất đai với tổng diện tích cấp mới gần 13ha, tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng sang đất ở hơn 1,7ha. Thực hiện thu hồi 1,63ha đất phục vụ các công trình, dự án; thẩm định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản được thực hiện nghiêm. Đã duy trì Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản trên địa bàn; thành lập Tổ giúp việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên và khoáng sản với hoạt sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã, do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Tổ trưởng.

Đã tổ chức trên 25 lượt kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình quản lý về tài nguyên, môi trường, tập trung tại các xã Cò Nòi, Mường Bon, Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Chiềng Lương, Chiềng Ve… Qua đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường với 11 trường hợp, tổng tiền phạt trên 654 triệu đồng. Tại cấp xã đã tổ chức kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm 52 trường hợp, tổng tiền phạt trên 137 triệu đồng.

a2.jpg

Các báo cáo viên UBND huyện quán triệt các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp xã về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các báo cáo viên quán triệt các điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, trách nhiệm của UBND cấp xã về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản; hướng dẫn xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, môi trường, đất đai, trật tự xây dựng; triển khai một số nội dung lĩnh vực đất đai...

Điểm mới nổi bật tại Hội nghị năm nay, là các đại biểu đã được chia thành 7 nhóm, thảo luận với các trường hợp cụ thể có thể xảy ra trên thực tiễn, như: Cách thức xử lý với hộ chăn nuôi trong khu dân cư, chưa có hệ thống xử lý nước thải, chưa có thủ tục về môi trường? Cách thức giải quyết với trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, các hành vi vi phạm về môi trường? Trường hợp xây nhà trên đất trồng cây hàng năm; xây dựng trên đất nông nghiệp đã được UBND huyện cấp Giấy CNQSDĐ… Qua đó, giúp các cán bộ thực hiện quản lý tài nguyên, môi trường tại cấp xã nắm bắt rõ các quy định mới, tiến trình kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường ngay từ cơ sở.

a3.jpg

Các đại biểu đã chia thành 7 nhóm tập trung thảo luận, trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện quản lý nhà nước về TN&MT tại cơ sở.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Thị Hồng đã giao các phòng, ban, các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, điều kiện chăn nuôi tới từng hộ sản xuất, kinh doanh thông qua các cuộc giao ban với bí thư, trưởng bản và trong các cuộc họp bản, tiểu khu. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành để người sử dụng đất hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng đất; tuyên truyền, vận động các hộ gia đình cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính khi được cấp GCNQSDĐ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động sơ chế nông sản, chăn nuôi. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước theo thẩm quyền. Tuyên truyền, huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư tham gia giám sát, đấu tranh với các hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý, sử dụng đất, đặc biệt là ở các xã dọc Quốc lộ 6, Quốc lộ 4G; việc sử dụng đất sai quy hoạch, sai mục đích, các trường hợp cải tạo san ủi làm biến dạng địa hình, các trường hợp tự ý mua bán, chuyển nhượng phần diện tích đất do Nông trường, các xí nghiệp bàn giao về cho địa phương quản lý, các trường hợp tạo lập tài sản khác trên đất nông nghiệp…

Triển khai hiệu quả Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2022 và các năm tiếp theo. Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử, giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Phấn đấu hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ lần đầu cho các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn trong năm 2022 theo lộ trình đã đề ra.

Nguyễn Nga