Điện Biên: Đánh giá tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp

Đất đai - Ngày đăng : 20:38, 16/09/2022

(TN&MT) - Chiều ngày 16/9/2022, Ban chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 tỉnh Điện Biên họp đánh giá tiến độ triển khai, thực hiện giao đất, giao rừng cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bản tỉnh. Chủ trì, ông Lò Văn Tiến, Trưởng ban chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường; thành viên BCĐ giao đất, giao rừng cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 tỉnh Điện Biên, tính đến ngày 15/9/2022, trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên, tổng diện đất lâm nghiệp cần thực hiện giai đoạn 2019 – 2022 là 360.000,38ha. Diện tích đã giao 44.626,28ha; chưa giao là 317.135,78ha (tỷ lệ đã giao đạt 12,4%).

Trong đó, đất lâm nghiệp có rừng tổng diện tích toàn tỉnh Điện Biên 88.332,03ha; đã giao 42.581,70ha, đạt 48,2%; chưa giao 47.512,01ha. Đất lâm nghiệp chưa có rừng 271.668,35ha; đã giao 2.044,58ha, đạt 0,75%; diện tích chưa giao 269.623,77ha.

z3726422984279_af9da801b02f7efda00163741b3f9c82.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Cũng theo đánh giá của BCĐ tiến độ thực hiện giao đất, giao rừng so với nhiệm vụ, kế hoạch của UBND tỉnh Điện Biên giao đang chậm so với yêu cầu và tiến độ chung của tỉnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ do người dân có tâm lý lo sợ giao đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp để phát triển rừng thì không được tiếp tục canh tác, sản xuất nương rãy. Do vậy, người dân không mặn mà, ủng hộ đồng tình việc đo đạc, quy chủ đất lâm nghiệp.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang quản lý bảo vệ rừng nhưng không có mặt tại địa phương, do đó khó khăn trong việc giao đất, giao rừng. Một số huyện như Mường Nhé, Nậm Pồ có một số diện tích thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp của Đề án 79. Bên cạnh đó còn có một số yếu tố khách quan dẫn đến việc thực hiện giao đất, giao rừng bị chậm lại do mưa kéo dài, khó khăn cho công tác rà soát, đo đạc thực tại thực địa chậm. Vướng mắc về địa giới hành chính, diện tích người dân xã này xâm canh bên xã khác (do lịch sử để lại khi chia tách địa giới hành chính xảy ra).

z3726632445096_a2053be3799a3f048e47beb214bdb8a9.jpg
Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Điện Biên ông Vũ Ngọc Vương phát biểu tại Hội nghị

Trước những khó khăn, vướng mắc, BCĐ đã bàn giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới phân rõ trách nhiệm. Đối với cấp tỉnh: Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, các tổ giúp việc BCĐ tăng cường công tác chủ động tham mưu, nắm bắt tình hình tiến độ thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp để kịp thời tham mưu, tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ UBND cấp huyện giải quyết khó khăn.

Cấp huyện, yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố - Trưởng ban chỉ đạo cấp huyện đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện giao đất, giao rừng và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp để xác định rõ thời gian hoàn thành tiến độ. Đồng thời, chỉ đạo các xã phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong tổ chức thực hiện. Chỉ đạo đơn vị tư vấn tập trung huy động, tăng cường lực lượng để đẩy nhanh tiến độ… chủ động báo cáo những khó khăn vướng mắc. Phối hợp với các tổ giúp việc BCĐ tỉnh để được hướng dẫn, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện công tác giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trần Hương