Sơn La: Nâng cao chất lượng công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính

Đất đai - Ngày đăng : 20:37, 16/09/2022

(TN&MT) - Sở TN&MT Sơn La vừa ban hành Công văn số 3156/STNMT-ĐĐ&ĐĐBĐ, về việc nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá từ Sở TN&MT Sơn La, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai các dự án đo đạc địa chính chính quy; đo đạc tổng thể; đo đạc cấp GCNQSDĐ lần đầu; trích đo địa chính phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, GPMB, đấu giá quyền sử dụng đất; phục vụ các yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai. Việc triển khai, thực hiện các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác lập hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

1.jpg

Sơn La nâng cao chất lượng trong công tác quản lý, thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính.

Hiện, trên toàn tỉnh có 14 đơn vị được Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ TN&MT) cấp Giấy phép hoạt động đo đạc bản đồ, trong đó, 14 đơn vị được cấp phép hoạt động đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; 4 đơn vị kiểm tra chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ chuyên đề ngành địa chính; 14 đơn vị lập thiết kế kỹ thuật dự toán; 10 đơn vị khảo sát địa hình, đo đạc công trình; 11 đơn vị đo đạc thành lập bản đồ địa chính.

Bên cạnh đó, từ năm 1997 tới nay, Sơn La đã thực hiện đo đạc địa chính, cấp GCNQSDĐ cho 87/204 xã trên địa bàn 8/12 huyện, thành phố. Để nâng cao hiệu quả quản lý, thực hiện trích đo địa chính phục vụ các yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai, Sở TN&MT đề nghị UBND các huyện, thành phố trước khi lựa chọn, lập phương án thi công trích đo địa chính cần đánh giá đúng thực trạng, nội dung, mục tiêu dự án, tận dụng tối đa các dữ liệu bản đồ địa chính hiện có để lựa chọn các phương pháp như trích đo địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính cho phù hợp, vừa đảm bảo được yêu cầu, tiến độ thực hiện dự án, vừa tiết kiệm tối đa kinh phí thực hiện.

Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thẩm định, ký duyệt các sản phẩm trích đo địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích lục bản đồ địa chính các dự án và trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Sau khi hoàn thiện các dự án trích đo địa chính, thực tế hiện nay tại các huyện, thành phố, khi triển khai thực hiện các công trình dự án trích đo địa chính phục vụ công tác bồi thường, GPMB, đấu giá quyền sử dụng đất chỉ mới tập trung, chú trọng đo đạc, lập bản đồ trích đo địa chính, trích lục bản đồ địa chính để hoàn thiện các thủ tục thu hồi, bồi thường, đấu giá quyền sử dụng đất; chưa quan tâm đến chỉnh lý về dữ liệu đất đai sau khi hoàn thành dự án.

Do đó, để đảm bảo việc cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính thường xuyên, chính xác, Sở TN&MT đề nghị các huyện, thành phố, sau khi hoàn thiện các thủ tục về đất đai các công trình, dự án, chỉ đạo các phòng ban chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, chuyển các tài liệu có liên quan đến Chi nhánh VPĐK đất đai các huyện, thành phố để cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính đảm bảo các quy định hiện hành.

Sở TN&MT cũng giao Văn phòng đăng ký đất đai chỉ đạo, hướng dẫn các Chi nhánh Văn phòng tận dụng tối đa các dữ liệu bản đồ địa chính hiện có để thực hiện các thủ tục về đất đai cho các hộ gia đình, cá nhân; thực hiện nghiêm việc cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính theo quy định sau khi nhận được yêu cầu, đề nghị và các tài liệu có liên quan của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện.

Nguyễn Nga