Bế mạc Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong nước - Ngày đăng : 20:32, 15/09/2022

(TN&MT) - Chiều 15/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 15.

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau 4 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc và trách nhiệm cao, toàn bộ nội dung chương trình dự kiến của Phiên họp thứ 15 đã hoàn thành. Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, cho ý kiến và cơ bản thống nhất các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

d.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Các nội dung gồm: Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021, kèm theo báo cáo tóm tắt và dự thảo Nghị quyết và nội dung của phim tài liệu sẽ trình chiếu tại Kỳ họp. Thảo luận và cho ý kiến về các Báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.

Các Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại và tố cáo năm 2022. Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật và các Nghị quyết của Quốc hội. Báo cáo công tác năm 2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước và Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước. Về việc chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sớm thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung trên để gửi đến các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức thực hiện.

Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát và xem xét thông qua 2 dự thảo Nghị quyết về giám sát chuyên đề gồm: Chuyên đề việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021; Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 cho đến ngày 1/7/2021”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2022 và cho ý kiến bằng văn bản về 2 nội dung (các báo cáo của Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết 03 và Nghị quyết 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi trả hỗ trợ đối với người lao động).

ss.jpg
Quang cảnh Phiên bế mạc. Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, các nội dung tại phiên họp đều là những vấn đề được đông đảo cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm, theo dõi. Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung xem xét kỹ lưỡng, thực chất, trách nhiệm, phản biện, phân tích từ nhiều khía cạnh. Đại diện các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực thảo luận, cung cấp thông tin, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng và thuyết minh giải trình thêm đối với từng nội dung nhằm hoàn thiện các báo cáo với mong muốn có chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Đối với các nghị quyết về giám sát chuyên đề đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ triển khai thực hiện, góp phần tạo chuyển biến rõ rệt và nhanh chóng trong các lĩnh vực được giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất sẽ cho ý kiến về kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo của 4 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2022, để tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác giám sát năm 2022 và triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, dự kiến diễn ra ngày 27/9.

Ngay sau Phiên họp này, Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, diễn ra trong cả ngày 18/9, để phục vụ cho các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Tiếp ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9/2022, dự kiến kéo dài 5 ngày rưỡi; các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri; tiến hành Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Nhấn mạnh, khối lượng công việc trong thời gian còn lại của tháng 9 như vậy là rất lớn, thời gian, dư địa để giải quyết các vấn đề đột xuất, bất thường là rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tính toán, bố trí thời gian rất sít sao; tập trung ưu tiên cho các công việc chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đảng đoàn Quốc hội. Việc sắp xếp lịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội cũng phải đảm bảo cho các Ủy ban có thời gian, điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách kỹ lưỡng, đúng quy định của pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với cách chuẩn bị như hiện nay, sự phối hợp rất chặt chẽ giữa Quốc hội với Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội với các bộ, ngành, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và sự tham gia rất tích cực của các cơ quan hữu quan, sự ủng hộ của cử tri, của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước, việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4 sẽ bảo đảm về chất lượng cao nhất.

Thanh Tùng