Thẩm định đề án thăm dò khoáng sản tại Thanh Hóa và Hòa Bình

Tài nguyên - Ngày đăng : 13:29, 15/09/2022

(TN&MT) - Sáng 15/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản đối với đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại Thanh Hóa và đá sét làm nguyên liệu xi măng tại Hòa Bình.
img_0985(1).jpg
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Báo cáo đề án thăm dò đá vôi làm nguyên liệu xi măng tại khu vực Lam Sơn 3, xã Hà Vinh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Hữu Truyền thuộc Công ty cổ phần Khảo sát và Xây dựng - USCO (đơn vị tư vấn) cho biết, mục đích của công tác thăm dò là đánh giá chất lượng và xác định trữ lượng công nghiệp đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực thăm dò làm cơ sở cho việc lập Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và xin cấp phép khai thác mỏ, đưa mỏ vào khai thác trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Tiến Phương - Thư ký Hội đồng, ngày 10/6, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa kiểm tra thực địa khu vực thăm dò. Kết quả kiểm tra cho thấy, vị trí khu vực đề nghị cấp phép thăm dò thuộc địa hình hiểm trở, núi đá lởm chởm, vách đứng, đỉnh cao, nhọn, sườn dốc; độ cao đỉnh thay đổi từ 122m đến 248m; thảm thực vật chủ yếu là bụi cây thấp và mọc thưa thớt.

Trong khu vực thăm dò không quan sát thấy có công trình quân sự, công trình phục vụ an ninh, quốc phòng, không có dấu tích lịch sử, không có đền chùa và các công trình văn hóa, lịch sử được xếp hạng, không có dân cư sinh sống, dân cư sống cách xa khu mỏ, không có công trình thủy điện, không có đường dây điện cao thế đi qua.

Vụ Khoáng sản - đơn vị thẩm định đề án cho rằng chủ đầu tư (Công ty TNHH Long Sơn) và đơn vị tư vấn cần nghiên cứu, tăng diện tích và bổ sung công trình thăm dò tính trữ lượng cấp 121 bảo đảm thời gian khai thác tối thiểu là 5 năm theo công suất Nhà máy. Đồng thời, xem xét, dự tính trữ lượng, tài nguyên của đá vôi không đạt chỉ tiêu làm nguyên liệu xi măng (đá vật liệu xây dựng thông thường) có trong khu vực thăm dò nhằm đánh giá triệt để tài nguyên khoáng sản trong diện tích thăm dò.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên yêu cầu chủ đầu tư trong quá trình thực hiện công tác thăm dò lưu ý tính đầy đủ trữ lượng đá vôi dolomit có thể thu hồi được. Liên quan đến việc mở rộng trữ lượng khối 121, cân nhắc tính toán lại để đảm bảo công suất khai thác trong 5 năm đầu.

Thứ trưởng giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở ý kiến của Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia rà soát lại khối lượng phát sinh tăng thêm, đặc biệt đảm bảo trữ lượng 121 theo quy định. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn xem xét tình hình thực tế để cân nhắc khoan đứng hay khoan ngang cho hợp lý, tùy theo thế nằm của đá để bố trí phương pháp khoan.

img_0949.jpg
Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Hội đồng cũng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản đá sét làm nguyên liệu xi măng tại xã Yên Bồng, xã Khoan Dụ, xã An Bình và xã Thống Nhất, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Theo bà Nguyễn Thị Cúc thuộc Công ty CP tư vấn triển khai công nghệ Mỏ - Địa chất - đại diện đơn vị tư vấn, đề án nhằm đánh giá chất lượng, tính trữ lượng đá sét phong hóa làm nguyên liệu sản xuất xi măng porlăng PC40, PC50. Mục tiêu tổng trữ lượng ở trạng thái khô cấp 121 + 122 là 28 triệu tấn (tăng giảm 10%), trong đó cấp 121 chiếm tỷ lệ 10 - 15%.

Ông Nguyễn Tiến Phương nhận định, mạng lưới, phương pháp, khối lượng thăm dò thiết kế phù hợp với đặc điểm địa chất khu vực. Các nội dung góp ý của các phản biện đã được Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành (chủ đầu tư) cơ bản tiếp thu, bổ sung và chỉnh sửa.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, diện tích thăm dò khá lớn, khu vực xin thăm dò gồm 3 khu thuộc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) với tổng diện tích 214 ha nên chủ đầu tư cần đảm bảo tiến độ thăm dò hợp lý. Về kết quả dự tính trữ lượng, Thứ trưởng đánh giá kết quả có độ tin cậy lớn, với tổng trữ lượng cấp 121 và 122 khoảng 33,6 triệu tấn ở trạng thái tự nhiên như đơn vị tư vấn đã nêu.

Mai Đan