Điện Biên hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Môi trường - Ngày đăng : 10:22, 15/09/2022

(TN&MT) - Hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân huyện Mường Chà (Điện Biên) ngày càng nêu cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Những cánh rừng trên địa bàn huyện cũng nhờ đó ngày càng phát triển xanh tốt, tỷ lệ che phủ rừng tăng qua từng năm.

Đến với các xã trên địa bàn huyện Mường Chà những năm gần đây, không khó để nhận thấy màu xanh của những cánh rừng. Đồng thời, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, người dân ai cũng phấn khởi và tích cực hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng. Việc gắn quyền lợi của người dân trực tiếp thông qua chính sách chi trả DVMTR với công tác bảo vệ rừng đã giúp người dân thấy được những lợi ích của rừng đem lại. Qua đó, làm thay đổi nhận thức để người dân thấy được lợi ích thiết thực và nâng cao ý thức trong công tác quản lý và bảo vệ rừng của mỗi cá nhân và cộng đồng đối với diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ.

quy-1.jpg

Cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Lường Văn Toàn – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, cho biết: Huyện Mường Chà có tổng diện tích tự nhiên gần 119.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,18%. Năm 2020, tổng diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR là trên 43.800 ha với số tiền trên 34 tỷ cho 122 chủ rừng, gồm: 93 cộng đồng, 15 hộ gia đình, 12 UBND xã, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 02 tổ chức (Ban quản lý rừng phòng hộ và Đồn biên phòng Mường Mươn). Thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nguồn lợi giúp người dân cải thiện cuộc sống, người dân gắn bó hơn với rừng và có ý thức trách nhiệm cao với việc giữ rừng. Cùng với đó, huyện Mường Chà đã chủ động phối hợp với Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước về chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn huyện.

Hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao khoán ngày càng được nâng lên. Người dân tích cực tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là vào mùa khô hanh. Đến nay, tại các xã trên địa bàn huyện Mường Chà đều thành lập tổ bảo vệ rừng, chủ động xây dựng kế hoạch, thường xuyên tiến hành tuần tra, canh gác rừng, nhất là vào mùa khô hanh.

z3722866895544_fa0f1c2d904d68c56c837064f940fe68.jpg

Tỷ lệ che phủ rừng của huyện Mường Chà đạt 42.18%

Anh Hạng A Góng xã Sa Lông, huyện Mường Chà chia sẻ: Cùng với việc trích lại một phần từ số tiền được hưởng từ chính sách chi trả DVMTR hàng năm để mua sắm trang, thiết bị phục vụ cho công bảo vệ rừng. Mỗi gia đình trong bản cử 1 thành viên tham gia tổ chuyên trách bảo vệ rừng của bản. Cùng với đó, nguồn lợi từ DVMTR mang lại còn tạo điều kiện cho người dân có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, thay đổi tập quán canh tác du canh, tập trung thâm canh tăng vụ, năng suất, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng xâm lấn, đốt rừng làm nương của người dân đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể thấy, khi cuộc sống được cải thiện nhờ giữ rừng, bà con đã chung tay, tích cực bảo vệ rừng; giảm thiểu tình trạng đốt, phá rừng làm nương. Hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR không chỉ mang đến nguồn lợi kinh tế cho người dân, mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn huyện Mường Chà.

Hoàng Châu