Tăng tính tiếp cận đất nông nghiệp
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 08:31, 15/09/2022
Chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp
Thực tế, triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 đã khắc phục được nhiều hạn chế của việc sử dụng đất nông nghiệp như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, kể cả diện tích vượt hạn mức giao đất; Cho phép chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản.
Những thay đổi này đã tạo điều kiện thúc đẩy người sử dụng đất mở rộng sản xuất, khuyến khích nông dân gắn bó, yên tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Các quyền của người sử dụng đất được mở rộng, được Nhà nước bảo đảm thực hiện tạo điều kiện để người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, pháp luật về đất đai còn có một số hạn chế cản trở sự phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cần tiếp tục được tháo gỡ. Cụ thể, các chính sách về đất nông nghiệp vẫn còn bị bó hẹp bởi chưa có cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp mà ở đó cho phép người có nhu cầu có thể nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp dễ dàng hơn theo cơ chế thị trường.
Việc quy định hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa, nếu không trực tiếp sản xuất nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu rừng đó dẫn đến chưa khuyến khích quá trình tích tụ, tập trung đất đai của hộ sản xuất hàng hóa lớn.
Ruộng đất được phân chia cho hộ gia đình nên phân tán, manh mún đang cản trở việc ứng dụng cơ giới hóa, khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích đất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân có khả năng và muốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gặp rất nhiều khó khăn. Những cản trở đó đang đòi hỏi phải có những đổi mới về thể chế, chính sách để thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn với hình thức đa dạng, phù hợp với quy hoạch và điều kiện của từng vùng, địa phương, đặc điểm của từng sản phẩm và nhu cầu thị trường.
Mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp
Để giải quyết vấn đề này, Nghị quyết 18-NQ/TW đã đặt ra nhiệm vụ và giải pháp trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Trong đó, yêu cầu mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn; Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất lượng đất.
Điểm mới nữa là xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp; đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền. Đặc biệt có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất, cùng với các cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất.
Thể chế hóa nội dung này, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã có quy định mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; đồng thời, giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp.
Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Bổ sung quy định về Ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp; quy định về các hình thức tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại quyền sử dụng đất đối với các dự án tập trung đất nông nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng của một số loại đất để bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; được sử dụng một tỷ lệ đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp theo quy hoạch.
Tại Nghị quyết số 111/NQ-CP ngày 30/8/2022 của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, tập trung hoàn thiện dự án Luật về 10 vấn đề xin ý kiến Chính phủ và các nội dung khác của Dự thảo Luật.
Trong đó, về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 146, Dự thảo Luật), Chính phủ thống nhất mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Quy định này phù hợp với Nghị quyết 18-NQ/TW và bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ tác động, xác định hạn mức bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta.
Về mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất lúa cho tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (Điều 214), việc mở rộng cho phép tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ tác động đối với quy định này; cần quy định cơ chế, điều kiện chặt chẽ, bảo đảm người nông dân có đất để sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực của quốc gia.