Cử nhân “hai sạch”

Câu chuyện môi trường - Ngày đăng : 08:29, 15/09/2022

(TN&MT) - Người dân Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ, Bình Định) và bạn bè vẫn gọi Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trần Quang Tiến là “Cử nhân hai sạch”, bởi tốt nghiệp Đại học Quy Nhơn chuyên ngành công nghệ sinh học nhưng Tiến không chọn trụ lại thành phố như nhiều bạn bè trong lớp mà trở về quê thực hiện dự án đã ấp ủ từ lâu, đó là xây dựng một HTX làm nấm sạch và dọn sạch rác ở quê nhà.

Tuổi thơ của Tiến gắn với mảnh ruộng, cây trồng, vì thế, từ tấm bé, giấc mơ nông nghiệp đã hình thành trong Tiến. Những năm học tại trường đại học là quãng thời gian anh miệt mài với thư viện, phòng thí nghiệm. Bạn bè của Tiến từng chứng kiến ngày nào Tiến cũng tới phòng thí nghiệm, có những hôm ở lại tới tận khuya.

6(1).jpg

Anh Tiến tại khu sản xuất phôi nấm của HTX Agribio

Trở về quê hương với vốn kiến thức từ trường đại học, cộng thêm những tìm tòi thực tế về trồng nấm, Tiến mạnh dạn thuê 650m2 đất dựng xưởng trồng nấm.

Nhưng làm kinh tế chỉ là một phần nhỏ trong giấc mơ của Tiến. Bởi xa hơn, anh muốn tạo một cơ sở sản xuất bài bản, quy mô để tạo công ăn việc làm cho bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt, từ mô hình này, khi đủ điều kiện, sẽ phát triển thêm dịch vụ du lịch sinh thái, trong đó có tour thăm các cơ sở sản xuất nông nghiệp.

Và thế là, HTX nông nghiệp hữu cơ Agribio đã ra đời. Hiện tại, mỗi tháng, HTX sản xuất hơn 10.000 bịch phôi nấm. Quá trình sản xuất, anh sử dụng các nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương như cám gạo để trồng phôi nấm, không sử dụng phân bón, vì thế sản phẩm nấm giữ được mùi thơm đặc trưng và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu làm phôi nấm, mua bán vật tư ngành nông nghiệp để tạo thu nhập và phát triển kinh tế cho các thành viên HTX Agribio thì việc đầu tư một xe thu gom rác thải của Tiến lại mang đến những giá trị khác về môi trường.

Thường xuyên theo dõi tình hình quê nhà, anh nhận thấy rác thải đang là vấn nạn không chỉ riêng với Phù Mỹ quê anh. Theo thói quen, rác ở quê được bà con nông dân tự gom và đốt trong vườn nhà. Thời túi ni lông, nhựa và các vật dụng hiện đại chưa xuất hiện ở thôn xóm, việc đốt rác hoàn toàn đơn giản lại không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mọi sự đã khác xưa rất nhiều, rác trở thành vấn đề nhức nhối và khó để giải quyết khi thói quen vứt rác ra sông suối đã trở nên khó thay đổi.

Với số tiền đóng góp ít ỏi từ các hộ tham gia ban đầu, Tiến đã dùng tiền của cá nhân trang trải cho việc thu gom xử lý rác, quan trọng nhất là chi phí cho các công nhân thực hiện thu gom vận chuyển.

Từ việc làm của Tiến, thời gian đầu, chỉ khoảng 10 - 20% bà con đóng tiền rác, sau đó tăng dần; hiện tại, 50% số hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện tham gia đóng tiền. Được hỏi về việc này, Tiến chia sẻ: “Tôi chấp nhận lỗ một thời gian để đổi lấy ý thức và thói quen tốt của bà con quê mình. Nếu không làm bây giờ thì còn phải chờ đến khi nào nữa? Cái gì cũng cần có sự thay đổi để tạo ra một môi trường sống tốt hơn, sạch sẽ và văn minh hơn”.

Quan Hưng