Thừa Thiên - Huế: Cấp bách chống sạt lở bờ biển
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:28, 15/09/2022
Sạt lở biển nặng, dân lo sợ
Hằng năm, cứ vào mùa mưa bão, triều cường, khoảng 4.200 hộ dân ở các thôn An Dương 1, An Dương 2 và An Dương 3 (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đặc biệt là 600 hộ dân sống ven vùng biển trực tiếp bị ảnh hưởng nơm nớp lo sạt lở. Nhiều km biển đã “ăn sâu” vào sát nhà dân. Nhiều khóm dứa dại, cây hoang mọc sát bờ biển đã bị sóng đánh vào sát tận chân gốc. Những ngôi nhà nuôi tôm cũng bị sóng đánh trơ móng và bị bỏ hoang. Sạt lở biển làm hàng trăm cây dương nhiều năm tuổi trên bờ bị bứng gốc, rơi xuống biển.
Xây kè sạt lở tại vùng biển xã Phú Thuận
Dù nơi đây đã xây dựng bờ kè ngắn nhưng tình trạng biển “nuốt” đất vẫn đang diễn ra cực kỳ nghiêm trọng. Cứ mỗi khi có bão lớn, tại khu vực đầu múi kè, sóng to và triều cường dữ dội làm nhiều doi cát liên tục bị sạt.
“Lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Mùa mưa bão nào cũng thấy nặng thêm, sạt lở gần vào nhà rồi. Nếu Nhà nước không quan tâm giúp đỡ thì chắc ít bữa nữa nhà sập thôi...”, chị M. trú tại thôn An Dương 1 lo lắng.
Theo lãnh đạo xã Phú Thuận, sau các đợt mưa bão, xã đã huy động hàng nghìn người gồm người dân, dân quân, công an, cán bộ địa phương, chiến sỹ bộ đội biên phòng sử dụng các vật tư dự trữ như rọ đá, đá hộc, vải lọc, xử lý khẩn cấp chống xói lở cho khoảng 3km bờ biển.
Trong khi đó, Giang Hải là xã bãi ngang ven biển huyện Phú Lộc, hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống dân sinh của nhân dân trên địa bàn.
Chỉ tay về phía biển, ông Nguyễn Quang Tăng (thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải) cho hay: “Phần bờ biển này trước là đất ruộng. Rồi biển xâm thực, mỗi năm một ít, có năm lấn vào đất liền hai chục mét, không biết vài năm nữa sẽ ra sao... Nhất là các mùa bão đi qua gần đây, biển lại tiếp tục ăn sâu vào đất liền, các hàng quán kinh doanh phục vụ khách tắm biển đã bị đánh sập hoàn toàn, tuyến tỉnh lộ 21 cũng bị sóng đánh gây xói lở, đứt gãy gần cả cây số, ảnh hưởng đến giao thông, bà con đi lại rất khó khăn”.
Xây kè vẫn là ưu tiên
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhiều đoạn sạt lở nặng như đoạn qua xã Giang Hải, Vinh Mỹ, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) tiếp tục bị xói lở dài hơn 4,0km, sâu vào 7 - 10m, khả năng mở cửa biển mới rất cao; đoạn bờ biển qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) dài hơn 3km tiếp tục bị xói lở nặng, sâu vào 7 - 10m, ảnh hưởng đến các hộ dân, gây mất rừng phòng hộ; xã Phong Hải (huyện Phong Điền) tiếp tục bị sạt lở bờ biển dài khoảng 3km, chiều sâu xói lở từ 5 - 10m; xã Hải Dương (TP. Huế) tiếp tục bị xói lở khoảng 1km.
Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 12,4 km bờ biển (trong tổng số 127 km) bị sạt lở nặng, tốc độ xói lở trung bình hằng năm từ 3 - 5 m, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của hơn 1.500 hộ dân sống gần bờ.
Trước thực trạng biển bị “tấn công” ngày càng mạnh, tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định việc đầu tư, khắc phục sạt lở bờ biển rất cấp bách, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó, xây dựng các đoạn kè chống xói lở là một trong những giải pháp đã và đang thực hiện, mang lại hiệu quả cao.
Trong các năm qua, bằng nguồn vốn của Trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, tỉnh đã đầu tư kè chống xói lở bờ biển với chiều dài hơn 6,5km trên địa bàn. Tháng 6/2022, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 5 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã nhất trí thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải (huyện Phú Vang). Dự án có tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng bao gồm xây dựng tuyến kè bảo vệ có chiều dài 300m với kinh phí khoảng 14 tỷ đồng; xây dựng tuyến đê ngầm dài khoảng 550m cách bờ biển 150m - 200m với kinh phí 108 tỷ đồng... và hiện dự án đang được triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh tiến hành trồng cây chắn sóng ven phá Tam Giang - Cầu Hai, tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển.
Theo ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, để có những giải pháp kịp thời bảo vệ dải cồn cát ven biển, khôi phục các công trình đê điều, các công trình hạ tầng thiết yếu vùng ven biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng tuyến biển, ổn định đời sống của nhân dân, đơn vị đã đề xuất Tổng cục Phòng chống thiên tai một số danh mục kè chống sạt lở bờ biển, đê biển, các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, các công trình công cộng kết hợp phòng, chống thiên tai vùng ven biển của tỉnh vào Dự án “Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai ven biển Việt Nam”.
“Cụ thể là các dự án khắc phục khẩn cấp công trình phòng chống thiên tai đê sông, đê biển, kè biển, nâng cấp sữa chữa các khu neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão, nâng cấp và sửa chữa các công trình công cộng kết hợp tránh trú bão như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nhà cộng đồng, công trình cấp nước sạch” - ông Hùng thông tin.