Bảo vệ bền vững tài nguyên nước dưới đất đô thị Quảng Ngãi

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:03, 22/12/2021

(TN&MT) - Đề án bảo vệ nước dưới đất đô thị Quảng Ngãi do Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) thực hiện năm 2021 đã đánh giá được tiềm năng, trữ lượng, chất lượng nước dưới đất, khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước cũng như các nguyên nhân dẫn đến việc suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn nước dưới đất. Trên cơ sở đó, Trung tâm đề xuất các giải pháp quản lý khai thác và phát triển nguồn tài nguyên nước dưới đất bền vững.

Từ những kết quả nghiên cứu…

Kết quả nghiên cứu cho thấy vùng đô thị Quảng Ngãi có 4 tầng chứa nước gồm: Tầng chứa nước lỗ hổng Holocen (qh); Tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen (qp); Tầng chứa nước khe nứt trầm tích Neogen - Pleistocen β(n2-qp); Tầng chứa nước khe nứt trong đá biến chất Protezozoi (pp).

Theo mục tiêu của đề án được phê duyệt, vùng đô thị Quảng Ngãi có 02 tầng chứa nước cần bảo vệ là qh và qp. Kết quả nghiên cứu cho thấy tầng chứa nước trên cùng là qh có diện phân bố rộng và chiều dày trung bình, mức độ chứa nước từ giàu đến nghèo, khu vực ven biển nước bị nhiễm mặn; tầng chứa nước qp là các tầng chứa nước có diện phân bố rộng cả trên mặt và dưới tầng qh, chiều dày trung bình, mức độ chứa nước từ giàu đến nghèo, khu vực ven biển nước bị nhiễm mặn. Theo tài liệu nghiên cứu tầng qh và qp có quan hệ thuỷ lực chặt chẽ với nhau và chủ yếu đang được khai thác trong vùng.

Kết quả điều tra cho thấy vùng đô thị Quảng Ngãi có tổng số 1.978 công trình khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 26.734 m3/ngày, trong đó các công trình khai thác có quy mô lưu lượng ≥10m3/ngày là 68 công trình với lưu lượng khai thác 23.345,8 m3/ngày, các công trình khai thác có quy mô lưu lượng <10m3/ngày là 1.910 công trình với lưu lượng khai thác 3.388,9m3/ngày. Theo quy mô khai thác có 45 công trình khai thác nước dưới đất tập trung với tổng lượng khai thác là 22.118m3/ngày bao gồm các giếng khai thác thuộc Công ty cổ phần và Xây dựng cấp nước Quảng Ngãi; có 23 công trình khai thác nước dưới đất đơn lẻ với tổng lượng khai thác là 1.228m3/ngày bao gồm các giếng khai thác thuộc các công ty, xí nghiệp sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, hộ kính doanh… phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, dịch vụ…; có 1.910 công trình khai thác nước dưới đất nông thôn với tổng lượng khai thác là 3.389m3/ngày bao gồm các giếng khai thác quy mô hộ gia đình tỉnh.

Theo đề án phê duyệt, đô thị Quảng Ngãi xác định có 3 vấn đề cần bảo vệ đó là: can kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã xác định trên phạm vi đô thị Quảng Ngãi chỉ có 2 vấn đề cần phải bảo vệ theo mức độ ưu tiên, đó là: ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất. Nguyên nhân do hiện nay việc khai thác nước để cấp cho nhu cầu ăn uống, sinh hoạt trên phạm vi đô thị là khai thác theo kiểu thấm lọc ven sông. Vì vậy khi điều chỉnh lại lưu lượng khai thác hoặc giãn thời gian khai thác mực nước dưới đất có xu hướng phục hồi, phân bố nông, chưa có nguy cơ xảy ra cạn kiệt nước dưới đất. Mực nước 2 tầng chứa nước phân bố tương đối nông và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Trong đó, mực nước tầng chứa nước qh dao động từ 2,05 đến 6,17m; mực nước tầng chứa nước qp dao động từ 2,35 đến 5,99m.

image001.png

Đồ thị dao động mực nước các lỗ khoan quan trắc tầng qh và qp tại khu vực xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức

Để đánh giá nguy cơ xâm nhập mặn, đề án đã sử dụng kết quả dự báo xâm nhập mặn các tầng chứa nước ứng với các phương án (PA1) khai thác sử dụng nước dưới đất đến năm 2050 với lưu lượng hiện tại; Ở phương án 2 (PA2) có xây dựng thêm 03 trạm cấp nước với 21 giếng khai thác: Tịnh An (10 giếng), Nghĩa Kỳ (6 giếng), Nghĩa Lâm (5 giếng) với tổng lưu lượng tăng thêm là 25.000m3/ngày; ngoài ra nâng công suất theo quy hoạch cấp nước của tỉnh định hướng đến năm 2030 trạm cấp nước thành phố lên 30.000m3/ngày bổ sung thêm 5 giếng gần bãi giếng sông Trà Khúc.. Kết quả tính toán xâm nhặp mặn cho thấy hàm lượng TDS tại các giếng khai thác đến 2050 đều nhỏ hơn tiêu chuẩn Việt Nam là 1.500mg/l (QCVN09-MT:2015/BTNMT). Quá trình xâm nhập mặn chủ yếu là quá trình lan truyền tự nhiên theo hướng dòng chảy, vùng mặn tăng thêm qua các năm 2025, 2030, 2040 và 2050 theo phương án 1 và 2 so với thời điểm 2021 lần lượt là 0,95; 1,8; 2,74 và 3,34km2.

image002.png
Dịch chuyển xâm nhập mặn phương án 1,2 năm 2025
image003.png
Dịch chuyển xâm nhập mặn phương án 1,2 năm 2030
image004.png
Dịch chuyển xâm nhập mặn phương án 1,2 năm 2040
image005.png
Dịch chuyển xâm nhập mặn phương án 1,2 năm 2050

Về sụt lún nền đất, hiện tượng sụt lún nền đất thường xảy ra ở những khu vực khai thác nước tập trung, nơi có các giếng khai thác nước với quy mô lớn. Thực tế trong khu vực nghiên cứu có bãi giếng sông Trà Khúc, tuy nhiên chưa phát hiện ra hiện tượng sụt lún nền đất do quá trình khai thác nước dưới đất.

Về ô nhiễm nước dưới đất, tầng chứa nước qh: Kết quả đánh giá 15 chỉ tiêu theo tiêu chí ở trên của 281 mẫu nước phân tích trong tầng qh cho thấy 74 mẫu nước có chỉ tiêu ô nhiễm. Trong tổng số 15 chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm nước dưới đất có 6 chỉ tiêu ô nhiễm, gồm: Na, Ca, Mg, Fe, Mn, Nito. Phần lớn các mẫu nước chỉ có 1 chỉ tiêu bị ô nhiễm (51 mẫu nước) là Nito, các mẫu nước còn lại có từ 1 đến 10 chỉ tiêu ô nhiễm.

Ô nhiễm chỉ tiêu Na có 5 mẫu phân bố ở các xã Đức Chánh, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Tịnh Châu. Ô nhiễm chỉ tiêu Ca có 2 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Minh, xã Tịnh Sơn. Ô nhiễm chỉ tiêu Mg có mẫu phân bố ở xã Tịnh Hòa. Ô nhiễm chỉ tiêu Fe có 1 mẫu phân bố ở xã Nghĩa Trung, 5 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Minh, Đức Lợi, Đức Chánh, xã Nghĩa Phương và 1 mẫu phân bố tại xã Đức Hiệp. Ô nhiễm chỉ tiêu Mn có 3 mẫu phân bố ở các xã Đức Chánh, Nghĩa Hòa, 7 mẫu phân bố ở các xã Đức Chánh, TT La Hà, xã Đức Lợi.

Ô nhiễm chỉ tiêu Nito có 13 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Kỳ, xã Tịnh Hà, Xã Tịnh Long, Xã Nghĩa Thuận, phương Trần Hưng Đạo, Phường Nghĩa Lộ, xã Nghĩa Kỳ, xã Hành Dũng, Xã Nghĩa Hiệp,… có 18 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Ấn Đông, xã Tịnh Châu, Xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hiệp, xã Đức Thắng,… có11 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Ấn Tây, xã Tịnh Thiện, Xã Tịnh Khê, Xã Tịnh Long, xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Mỹ, xã Đức Thắng… ; có 9 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Trung, Quảng Phú, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Mỹ,….

Tầng chứa nước qh: Kết quả đánh giá 133 mẫu nước phân tích trong tầng qp cho thấy 27 mẫu nước có chỉ tiêu ô nhiễm. Trong tổng số 15 chỉ tiêu đánh giá có 5 chỉ tiêu ô nhiễm, gồm: Na, Fe, Mn, Nito, SO42-. Phần lớn các mẫu nước chỉ có 1 chỉ tiêu bị ô nhiễm (22 mẫu nước) là Nito, các mẫu nước còn lại có từ 1 đến 3 chỉ tiêu ô nhiễm.Ô nhiễm chỉ tiêu Na có 1 mẫu phân bố ở xã Nghĩa Hành. Ô nhiễm chỉ tiêu Fe có 1 mẫu phân bố ở xã Tịnh Hà. Ô nhiễm chỉ tiêu SO42- có 1 mẫu phân bố ở TT Chợ Chùa. Ô nhiễm chỉ tiêu Mn có 3 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Thương, xã Hành Đức.

Ô nhiễm chỉ tiêu Nito có 4 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Hòa, xã Tịnh Kỳ, xã Tịnh Hà, xã Nghĩa Thuận, xã Đức Hiệp,…,có 8 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Phong, xã Tịnh Hà, xã Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thương, xã Nghĩa Dõng,… có 5 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Hà, xã Tịnh Phong, có 5 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Dũng, xã Hành Trung, xã Tịnh Hà...

Đến những giải pháp trọng tâm

Trên cơ sở các nghiên cứu, Trung tâm đề xuất các giải pháp quản lý khai thác và phát triển nguồn tài nguyên nước dưới đất bền vững, hiệu quả.

Cụ thể là giải pháp 1: Khoanh định các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Việc khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất được thực hiện trên cơ sở Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính Phủ Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Kết quả tính toán xác định được trên phạm vi đô thị có có 4 vùng hạn chế khai thác nước dưới đất với tổng diện tích là 107,37 km2, chiếm 16% diện tích đô thị. Các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tập trung ở TP Quảng Ngãi và các xã lân cận nơi có hệ thống cấp nước tập trung và một số khu vực nghĩa trang và khu vực liền kề ranh mặn các tầng chứa nước.

Giải pháp 2: Xây dựng phương án khai thác nước dưới đất hợp lý. Phương án khai thác nước dưới đất phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Quảng Ngãi và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan đến khai thác, sử dụng nước; phù hợp với đặc điểm, khả năng nguồn nước dưới đất từng vùng, từng khu vực; khai thác nước dưới đất linh hoạt theo từng thời điểm, đối tượng khai thác và phải gắn liền với công tác bảo vệ nguồn nước dưới đất.

Bao gồm hai phương án là Phương án 1 (PA1) Khai thác sử dụng nước dưới đất đến năm 2050 với lượng nước tối đa bằng hiện tạ khoảng 26.734 m3/ngày đêm. Phương án 2 (PA2): Đến năm 2050, giữ nguyên lượng nước khai thác của các công trình khai thác tập trung và đơn lẻ nâng công suất bằng với công suất cấp phép của hai loại hình khai thác này và theo quy hoạch đến 2025 giảm hẳn loại hình khai thác nước dưới đất ở nông thôn, đồng thời bổ sung thêm 3 trạm cấp nước Tịnh An, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lâm; nâng công suất bãi giếng thành phố gần sông Trà khúc lên 30.000m3/ngđ (bổ sung thêm 5 giếng).

image006(1).png

Bản đồ định hướng và phương án khai thác nước dưới đất hợp lý

Giải pháp 3: Phương án phục hồi trữ lượng, chất lượng nước dưới đất. Căn cứ trên mức độ bảo vệ của các tầng chứa nước cần bảo vệ, đã đánh giá phân vùng khả năng phục hồi trữ lượng, chất lượng cho các tầng chứa nước. Phương pháp để thực hiện phục hồi trữ lượng, chất lượng nước dưới đất vùng đô thị Quảng Ngãi được lựa chọn là phương pháp ép nước qua các giếng khoan.

Kết quả phân vùng khả năng bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất cho thấy tầng chứa nước qh là vùng tiếp giáp với ranh mặn - nhạt gồm 2 khu vực, khu vực thứ nhất dọc ranh mặn - nhạt thuộc xã Đức Thắng, thứ nhất dọc ranh mặn - nhạt thuộc xã Đức Thắng xã Đức Lợi; khu vực thứ 3 là khu vực thành phố Quảng Ngãi thuộc phường Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong với tổng diện tích khoảng 2,405km2. Tầng chứa nước qp một phần diện tích phường Lê Hồng Phong, phường Trương Quang Trọng, phường Trần Phú, phường Nguyễn Nghiêm và xã Đức Chánh với tổng diện tích 17,01km2.

Nguồn nước lựa chọn để bổ sung nhân tạo là nguồn nước mặt từ Sông Trà Khúc, Sông Vệ. Nguồn nước mặt dồi dào, chất lượng cơ bản đảm bảo, hiện đang được khai thác cho các Nhà máy nước phục vụ cấp nước tập trung. Nước mặt sau khi được loại bỏ rác, cặn thô, xử lý và giám sát chất lượng nước trước khi bổ sung vào tầng chứa nước.

Giải pháp 4: Xây dựng đới phòng hộ vệ sinh cho các công trình khai thác nước dưới đất. Các tầng chứa nước vùng đô thị Quảng Ngãi phân bố nông, được phủ bởi các lớp sét, sét bột cách nước tốt, do đó, để bảo vệ công trình khai thác nước dưới đất nên xác định 3 đới đới I, II, III theo quy định Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT. Kết quả điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất cho thấy vùng đô thị Quảng Ngãi có 68 công trình khai thác nước dưới đất có công suất thiết kế lớn hơn 10 m3/ngày. Do đó, đới I được khoanh cho tất cả các công trình này với bán kính cố định là 20m tính từ lỗ khoan, bán kính đới II có giá trị từ 22 m đến 159 m, bán kính đới III có giá trị từ 131m đến 961m.

Giải pháp 5: Thiết kế mạng lưới công trình quan trắc tài nguyên nước dưới đất: Mạng lưới quan trắc, giám sát các tầng chứa nước cần bảo vệ được đề xuất gồm các tuyến, điểm và các công trình quan trắc hiện hữu và công trình đề xuất đưa vào mạng quan trắc lâu dài trên nền các vấn đề về tài nguyên nước của các tầng chứa nước như cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn cũng là các mục tiêu quan trắc của mạng lưới quan tắc được đề xuất: Tổng số điểm/công trình quan trắc là 11 điểm/19 công trình quan trắc được bố trí trên 7 tuyến quan trắc; số lượng các công trình tham gia vào mạng gồm: 8 công trình quan trắc Quốc gia hiện hữu, 7 công trình thuộc đề án thi công và 4 công trình thiết kể mới; đối tượng quan trắc: gồm các tầng chứa nước qh, qp và pp; theo đối tượng quan trắc có: 8 công trình quan trắc tầng qh, 10 công trình quan trắc tầng qp, 1 công trình quan trắc tầng pp thuộc mạng quan trắc quốc gia.

Mục tiêu quan trắc: Quan trắc giám sát tài nguyên NDĐ 19 công trình; Vấn đề cạn kiệt: 17 công trình; Vấn đề ô nhiễm: 17 công trình; Vấn đề nhiễm mặn: 13 công trình.

image007.png

Sơ đồ mạng lưới quan trắc hoàn chỉnh đô thị Quảng Ngãi

Đề án đã tổng hợp rà soát, cập nhật toàn bộ các thông tin, dữ liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn vùng đô thị Quảng Ngãi đã thực hiện từ trước đến nay; tiến hành điều tra, đánh giá chi tiết về tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ nguồn tài nguyên này. Vì vậy, các thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước dưới đất có độ tin cậy cao. Trên cơ sở kết quả đánh giá tiềm năng, trữ lượng, chất lượng nước dưới đất cũng như xác định các vấn đề về tài nguyên nước dưới đất, đề án đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước dưới đất, đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

PV