Dấu ấn từ Dự án bảo vệ nước dưới đất đô thị Quảng Ngãi

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 09:01, 22/12/2021

(TN&MT) - Đô thị Quảng Ngãi được chọn là một trong 8 đô thị thành phần của đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn II” được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước triển khai và thực hiện đã cho thấy sự đúng đắn, cần thiết để đánh giá về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất có độ tin cậy cao, phù hợp với những hiểu biết chung về khu vực.

Cấp bách bảo vệ nước đô thị Quảng Ngãi

Quảng Ngãi thuộc khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ với tỉnh lỵ là Thành phố Quảng Ngãi nằm ở hạ nguồn sông Trà Khúc, một trong những dòng sông lớn của khu vực miền Trung. Cũng như nhiều đô thị khác ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế - xã hội ở đô thị Quảng Ngãi ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu khai thác nước dưới đất trong những năm gần đây gia tăng nhanh chóng. Mặt khác, hoạt động khai thác nước dưới đất thiếu kiểm soát, thiếu quy hoạch cũng dẫn đến suy giảm nguồn nước (nhiễm mặn, ô nhiễm, suy giảm mực nước) ảnh hưởng sự phát triển bền vững của đô thị Quảng Ngãi.

anh-bai-1(1).jpg

Lãnh đạo Trung tâm và Chủ nhiệm đề án kiểm tra thực địa công tác điều tra và chọn vị trí thi công lỗ khoan

Để bảo vệ nước dưới đất ở đô thị Quảng Ngãi tránh những nguy cơ về nhiễm mặn, ô nhiễm, suy giảm mực nước do hoạt động khai thác gây ra, cần phải làm sáng tỏ về đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất lượng của các tầng chứa nước; hiện trạng hoạt động khai thác nước dưới đất và các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước.... để từ đó, đề xuất các giải pháp bảo vệ phù hợp với thực tế của đô thị.

Xuất phát từ các vấn đề đó, Đô thị Quảng Ngãi được chọn là 1 trong 8 đô thị thuộc đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn II” theo Quyết định số 3071/QĐ-BTNMT ngày 2/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số: 199/QĐ-BTNMT ngày 1/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt điều chỉnh nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” - Giai đoạn II. Đề án được quản lý bởi đơn vị chủ trì là Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, giao cho Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước triển khai và thực hiện ngay từ đầu năm 2020.

Ngay sau khi nhận được Quyết định giao nhiệm vụ của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước, đã tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho các dạng công việc thi công của đề án và trình Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia phê duyệt. Sau khi kế hoạch được phê duyệt, Trung tâm đã bắt tay ngay vào triển khai các công tác thi công như điều tra khảo sát, khoan, bơm nước thí nghiệm….. của Đề án. Trong quá trình thực hiện, đề án luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo Trung tâm Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các phòng ban chức năng nhờ đó mà kết quả thi công các dạng công tác luôn đảm bảo tính hiệu quả, chính xác và đáp ứng đúng mục tiêu đề ra.

Ông Kiều Văn Thế - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước cho biết: “Đề án bảo vệ nước dưới đất đô thị Quảng Ngãi” được lãnh đạo Trung tâm xác định là một trong những nhiệm vụ trọng điểm trong năm 2021, do vậy, lãnh đạo Trung tâm luôn tạo điều kiện tốt nhất về nhân lực, thiết bị và thời gian cho mục tiêu hoàn thành Đề án với chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, động viên kịp thời với các cán bộ công nhân viên trong suốt thời gian tham gia Đề án. Đồng thời, Trung tâm luôn có báo cáo với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia về tiến độ, mức độ hoàn thành và xin ý kiến tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực Đề án. Do đó, các dạng công tác thực hiện luôn đảm bảo tiến độ và có chất lượng đảm bảo theo yêu chung của toàn Đề án.

Nhận diện đặc điểm cấu trúc, phân bố các tầng chứa nước

Ông Phan Quang Thức, Chủ nhiệm đề án cho biết: “Một trong những mục tiêu quan trọng của đề án là việc xác định được đặc điểm về cấu trúc, diện phân bố, mức độ giàu nghèo của các tầng chứa nước; hiện trạng nhiễm mặn và hiện trạng các nguồn thải ở khu vực Đô thị Quảng Ngãi với phạm vi thực hiện bao gồm toàn bộ thành phố Quảng Ngãi, một phần các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Mộ Đức với tổng diện tích 643 km2. Trên có sở các dạng công tác đã thiết kế với việc xác định hiện trạng các vấn đề tài nguyên nước dưới đất của đô thị (nhiễm mặn, ô nhiễm, suy giảm mực nước) để từ đó, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp bảo vệ. Với các vấn đề đặt ra cho đô thị Quảng Ngãi và các định hướng cho việc giải quyết các vấn đề là rất khó khăn. Nhận thức được những vướng mắc và khó khăn nên ngay sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ, Trung tâm đã lập và trình Trung tâm Quốc gia phê duyệt chi tiết kế hoạch triển khai các dạng công tác nhằm nâng cao hiệu quả của các dạng công tác và nâng cao chất lượng của đề án”.

Ông Phan Quang Thức khẳng định, đô thị Quảng Ngãi được chọn là một trong 8 đô thị thành phần của đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn - Giai đoạn II” đã cho thấy sự đúng đắn, cần thiết. Đề án đã có kết quả giải quyết được mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trên cơ sở rà soát, thu thập, bổ sung, cập nhật và hệ thống hóa lại toàn bộ cơ sở dữ liệu về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn đô thị từ trước đến nay. Bên cạnh đó là việc điều tra đánh giá chi tiết về đặc điểm của các tầng chứa nước. Kết quả đã cho phép những hiểu biết đúng và đầy đủ về tài nguyên nước của đô thị bao gồm: cấu trúc, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước hiện hữu theo đó là hiện trạng khai thác và các vấn đề tài nguyên nước chịu ảnh hưởng của hoạt động khai thác; tác động tiêu cực của các nguồn thải đến tầng chứa nước. Kết quả đánh giá về hiện trạng tài nguyên NDĐ có độ tin cậy cao, phù hợp với những hiểu biết chung về khu vực”.

Theo kế hoạch, đề án đã tiến hành hàng loạt các dạng công tác ngoài trời (điều tra, đo địa vật lý, khoan, bơm,….) nhằm phục vụ việc đánh giá tài nguyên nước dưới đất, từ điều tra bổ sung đặc điểm các tầng chứa nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước dưới đất; đo địa vật lý xác định cấu trúc và đặc điểm mặn - nhạt của các tầng chứa nước, đến khoan, bơm nước thí nghiệm để xác định các thông số chuyên môn của các tầng chứa nước thuộc đô thị. Nhìn chung, việc thực hiện các dạng công tác của đề án được thực hiện theo đúng thiết kế, đáp ứng mục tiêu của đề án. Từ kết quả điều tra thực địa và các tài liệu thu thập, đề án đã tiến hành các công tác nội nghiệp, gồm tổng hợp, phân tích, đánh giá đặc điểm tài nguyên nước dưới đất của khu vực đô thị Quảng Ngãi theo các nội dung chính về đặc điểm cấu trúc, điều kiện phân bố, số lượng và chất lượng các tầng chứa nước; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất nhằm đánh giá được một cách tổng thể đặc điểm tài nguyên nước dưới đất của khu vực.

Thông qua những hiểu biết về tài nguyên nước của đô thị Quảng Ngãi đã cho phép xác định được các vấn đề chính cần bảo vệ đối với tài nguyên nước dưới đất của đô thị nói riêng và khu vực nói chung là nhiễm mặn, ô nhiễm. Từ các hiểu biết này và các vấn đề tài nguyên nước đang phải đối mặt sẽ cho phép đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ nước dưới đất một cách khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

Ông Phan Quang Thức cũng cho biết thêm, các giải pháp bảo vệ nước dưới đất của đô thị Quảng Ngãi sẽ được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các tổ chức, các nhà khoa học tiến hành xem xét, đánh giá, góp ý. Trên cơ sở đó, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước sẽ xem xét, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện trước khi bàn giao cho địa phương để ứng dụng. Đồng thời, những giải pháp bảo vệ này sẽ được sớm công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian tới nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về hiệu quả thực hiện của dự án, cũng như cho phép các giải pháp này có thể được xem xét, ứng dụng tại các khu vực khác của toàn quốc có điều kiện tương tự về tài nguyên nước như khu vực đô thị Quảng Ngãi.

Nhiều kết quả ấn tượng

Kết quả công tác khảo sát, đo địa vật lý, khoan - hút nước thí nghiệm đã cho phép xác định được cấu trúc địa chất thủy văn của các tầng chứa nước, cụ thể: vùng đô thị Quảng Ngãi có mặt 04 tầng chứa nước của khu vực đô thị Quảng Ngãi, gồm: tầng chứa nước lỗ hổng Holocen (qh), lỗ hổng Pleistocen (qp), lỗ hổng - khe nứt Pliocen - Pleistocen (β(n2-qp)), khe nứt trong đá biến chất tuổi Protezozoi (pp). Về cơ bản, các tầng chứa nước này tạo thành hệ thống chứa nước phân lớp theo chiều thẳng đứng, các tầng chứa nước được ngăn cách với nhau bởi các lớp thấm nước yếu, đóng vai trò như mái và đáy cách nước của các tầng chứa nước. Các tầng chứa nước có xu thế vát mỏng ở phía Tây - và chìm sâu hơn ở phía Đông. Kết quả công tác khoan - hút nước thí nghiệm thực hiện trong đề án cùng số liệu thu thập cũng đã làm sáng tỏ các thông số địa chất thủy văn; đặc điểm cung cấp, vận động và thoát của các tầng chứa nước, theo đó, trong 04 tầng chứa nước có 01 tầng chứa nước có áp (qp) còn lại là các tầng chứa nước không áp. Mức độ chứa của các tầng biến đổi theo một xu thế chung ở khu vực phía Đông - Đông Nam (khu vực kéo dài dọc theo đường bờ biển thuộc chủ yếu thành phố Quảng Ngãi tốt hơn so với phía Tây, Tây - Bắc và Tây Nam.

Trữ lượng nước dưới đất tại đô thị Quảng Ngãi được xác định bằng phương pháp giải tích và phương pháp ứng dụng mô hình. Qua đó, xác định được tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất cho toàn bộ 2 tầng chứa nước của đô thị Quảng Ngãi là 521.303 m3/ngày (thời gian tính toán là 10.000 ngày), trong đó phần nước nhạt là 418.825 m3/ngày, chiếm 80% tổng tiềm năng nước dưới đất. Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất phần nước nhạt của (02) tầng chứa nước nghiên cứu chính - cần bảo vệ (qh và qp) được xác định theo phương pháp ứng dụng mô hình (M < 1,5 g/l) là 100.414m3/ngày; (trong đó tầng chứa nước qh là là 34.832 m3/ngày, chiếm 35%; tầng chứa nước qp là 65.582 m3/ngày, chiếm 65%).

Từ kết quả lấy và phân tích mẫu nước của đề án, kết hợp với tài liệu thu thập về chất lượng nước có tổng số 160 mẫu nước toàn diện, 160 mẫu vi lượng, 137 mẫu nhiễm bẩn, 7 mẫu vi sinh. Kết quả các mẫu nước được tổng hợp và so sánh với các thông số giới hạn theo QCVN 09-MT:2015/BTNMT đã cho phép đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất của khu vực. Nhìn chung, nước dưới đất của các tầng chứa nước ở khu vực đô thị Quảng Ngãi có diện phân bố hẹp và khả năng chứa nước kém và đã có dấu hiệu ô nhiễm hợp chất nitơ tai khu vực ven biển. Trong đó, có 2 tầng chứa nước Holocen (qh) và Pleistocen (qp) có diện tích phần nước nhạt chiếm chủ yếu diện tích của đô thị, chất lượng nước cũng cơ bản đáng ứng yêu cầu về sử dụng cho ăn uống sinh hoạt và một số mục đích khác. Đó là lý do, hai tầng chứa nước này được xác định là các tầng chứa nước chính cần bảo vệ của đô thị Quảng Ngãi. Đặc biệt, tầng chứa nước Pleistocen có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu cấp nước cho ăn uống, sinh hoạt.

Ở đô thị Quảng Ngãi hiện nay hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước có tổng số 1978 công trình khai thác nước dưới đất với tổng lưu lượng khai thác là 26.734 m3/ngày. Trong đó các công trình khai thác có quy mô lưu lượng ≥10m3/ngày là 68 công trình với lưu lượng khai thác 23.345,8 m3/ngày, các công trình khai thác có quy mô lưu lượng <10m3/ngày là 1.910 công trình với lưu lượng khai thác 3.388,9m3/ngày. Theo quy mô khai thác có 45 công trình khai thác nước dưới đất tập trung với tổng lượng khai thác là 22.118m3/ngày bao gồm các giếng khai thác thuộc Công ty cổ phần và Xây dựng cấp nước Quảng Ngãi; có 23 công trình khai thác nước dưới đất đơn lẻ với tổng lượng khai thác là 1.228m3/ngày bao gồm các giếng khai thác thuộc các công ty, xí nghiệp sản xuất, doanh nghiệp tư nhân, hộ kính doanh… phục vụ cấp nước sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, dịch vụ…; có 1.910 công trình khai thác nước dưới đất nông thôn với tổng lượng khai thác là 3.389m3/ngày bao gồm các giếng khai thác quy mô hộ gia đình tỉnh;

Về hiện trạng các nguồn xả thải và nguy cơ gây nhiễm bẩn cho nguồn tài nguyên nước: đã tổng hợp được 03 loại hình nguồn thải, gồm: 04 bãi rác, chôn lấp chất thải; 186 nghĩa trang; 36 điểm xả thải. Trong đó, khả năng gây ô nhiễm từ các nguồn thải như sau: 03 bãi rác/chôn lấp khả năng gây ô nhiễm cao; 30 nghĩa trang khả năng gây ô nhiễm trung bình; 85 nghĩa trang gây ô nhiễm thấp; 14 điểm xả thải khả năng gây ô nhiễm cao; 6 điểm khả năng gây ô nhiễm trung bình. Tuy nhiên, các nguồn thải này cũng được đánh giá là ít có nguy cơ gây ô nhiễm cho các tầng chứa nước chính cần bảo vệ, vì chúng là chúng được ngăn cách với các tầng chứa nước được bảo vệ bởi lớp thấm nước yếu trên bề mặt và các tập thấm nước yếu thuộc tầng chứa nước.

Trên cơ sở các đặc điểm của hệ thống tài nguyên nước đã điều điều tra, đánh giá như nêu trên, đề án đã tiến hành việc phân tích, đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên nước này và xác định được các vấn đề cần bảo vệ của các tầng chứa nước chính. Các vấn đề cần bảo vệ tài nguyên nước dưới đất là nguy cơ nhiễm mặn và ô nhiễm tại khu vực phía đông của đô thị. Các tầng chứa nước cần bảo vệ gồm tầng chứa nước Holocen (qh) và tầng chứa nước Pleistocen (qp), cụ thể:

Nhiễm mặn nước dưới đất: Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen có diện tích 271 km2, trong đó phần nhiễm mặn 37,73 km2 (chiếm 14%) phân bố ở các xã Nghĩa Kỳ, Nghĩa An, Tịnh Khê, Tịnh Long, Tịnh Kỳ, Nghĩa Hòa, Đức Lợi, Đức Chánh. Với đặc điểm và hiện trạng nhiễm mặn của tầng chứa nước đã đánh giá nguy cơ nhiễm mặn cho tầng chứa nước được chia làm 3 khu vực gồm: khu vực có nguy cơ nhiễm mặn thấp diện tích 222,2 km2 phân bố chủ yếu ở phía tây của đô thị Quảng Ngãi; khu vực nguy cơ nhiễm mặn trung bình diện tích 13,2 km2 là một dải chạy dọc theo ranh giới mặn nhạt với bán kính khoảng 0,5 – 0,6 km; khu vực nguy cơ nhiễm mặn cao với diện tích 37,73 km2 nằm trong ranh giới mặn nhạt phía ven biển, chạy dọc từ bắc xuống nam theo đường bờ biển cụ thể, từ xã Tịnh Kỳ đến xã Đức Lợi.

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Pleistocen (qp) có diện tích 439km2 với diện tích nhiễm mặn 63,58km2 (chiếm 14,5%) phân bố ở phía đông của đô thị và kéo dài dọc theo đường bờ biển từ khu vực xã Tịnh Kỳ (Tp Quảng Ngãi) cho đến xã Đức Thắng (Huyện Mộ Đức). Từ hiện trạng nhiễm mặn và với đặc điểm của tầng chứa nước đã đánh giá và dự báo nguy cơ nhiễm mặn cho tầng chứa nước được chia làm 03 khu vực gồm: Khu vực có mức độ tự bảo vệ thấp là khu vực nằm trong ranh giới mặn nhạt với diện tích 63,58 km2. Khu vực nằm ở trung tâm vùng nghiên cứu được xác định là có mức độ tự bảo vệ ở mức trung bình là một dải chạy dọc ranh giới mặn nhạt với bán kính 0,7 – 1,1 km với diện tích 44,63 km2. Khu vực xa biển nhất nằm về phía tây ranh giới mặn nhạt khu vực nghiên cứu được xác định là có mức độ tự bảo vệ cao với diện tích 333,8 km2.

Ô nhiễm nước dưới đất: Ô nhiễm, nhiễm mặn nước dưới đất được đánh giá trên cơ sở kết quả phân tích mẫu nước so sánh với giá trị giới hạn (GTGH) theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 09‑MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất.

Tầng chứa nước lỗ hổng trong trầm tích Holocen (qh): Kết quả đánh giá 15 chỉ tiêu theo tiêu chí ở trên của 281 mẫu nước phân tích trong tầng qh cho thấy 74 mẫu nước có chỉ tiêu ô nhiễm. Trong tổng số 15 chỉ tiêu đánh giá mức độ ô nhiễm nước dưới đất có 6 chỉ tiêu ô nhiễm, gồm: Na, Ca, Mg, Fe, Mn, Nito. Phần lớn các mẫu nước chỉ có 1 chỉ tiêu bị ô nhiễm (51 mẫu nước) là Nito, các mẫu nước còn lại có từ 1 đến 10 chỉ tiêu ô nhiễm .

Ô nhiễm chỉ tiêu Na có 5 mẫu phân bố ở các xã Đức Chánh, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú, Tịnh Châu. Ô nhiễm chỉ tiêu Ca có 02 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Minh, xã Tịnh Sơn. Ô nhiễm chỉ tiêu Mg có 1 phân bố ở xã Tịnh Hòa. Ô nhiễm chỉ tiêu Fe có 1 mẫu phân bố ở xã Nghĩa Trung, 5 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Minh, Đức Lợi, Đức Chánh, xã Nghĩa Phương và 1 mẫu phân bố tại xã Đức Hiệp. Ô nhiễm chỉ tiêu Mn có 3 mẫu phân bố ở các xã Đức Chánh, Nghĩa Hòa , 7 mẫu phân bố ở các xã Đức Chánh, TT La Hà, xã Đức Lợi.

Ô nhiễm chỉ tiêu Nito có 13 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Kỳ, xã Tịnh Hà, Xã Tịnh Long, Xã Nghĩa Thuận, phương Trần Hưng Đạo, Phường Nghĩa Lộ, xã Nghĩa Kỳ, xã Hành Dũng, Xã Nghĩa Hiệp,… có 18 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Ấn Đông, xã Tịnh Châu, Xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Hiệp, xã Đức Thắng,… có11 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Ấn Tây, xã Tịnh Thiện, Xã Tịnh Khê, Xã Tịnh Long, xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Mỹ, xã Đức Thắng… ; có 9 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Trung, Quảng Phú, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Mỹ,….

Tầng chứa nước lỗ hổng trầm tích Pleistocen (qp): Kết quả đánh giá 133 mẫu nước phân tích trong tầng qp cho thấy 27 mẫu nước có chỉ tiêu ô nhiễm. Trong tổng số 15 chỉ tiêu đánh giá có 5 chỉ tiêu ô nhiễm, gồm: Na, Fe, Mn, Nito, SO42-. Phần lớn các mẫu nước chỉ có 1 chỉ tiêu bị ô nhiễm (22 mẫu nước) là Nito, các mẫu nước còn lại có từ 1 đến 3 chỉ tiêu ô nhiễm. Ô nhiễm chỉ tiêu Na có 1 mẫu phân bố ở xã Nghĩa Hành. Ô nhiễm chỉ tiêu Fe có 1 mẫu phân bố ở xã Tịnh Hà. Ô nhiễm chỉ tiêu SO42- có 1 mẫu phân bố ở TT Chợ Chùa. Ô nhiễm chỉ tiêu Mn có 3 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Hòa, Nghĩa Thương, xã Hành Đức.

Ô nhiễm chỉ tiêu Nito có 4 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Hòa, xã Tịnh Kỳ, xã Tịnh Hà, xã Nghĩa Thuận, xã Đức Hiệp,…, có 8 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Phong, xã Tịnh Hà, xã Nghĩa Thuận, xã Nghĩa Thương, xã Nghĩa Dõng,… có 5 mẫu phân bố ở các xã Tịnh Hà, xã Tịnh Phong, có 5 mẫu phân bố ở các xã Nghĩa Hòa, xã Nghĩa Dũng, xã Hành Trung, xã Tịnh Hà...

PV