Biến đổi khí hậu ở châu Phi có thể gây bất ổn cho các quốc gia và toàn khu vực
Thế giới - Ngày đăng : 10:47, 13/09/2022
Báo cáo “Tình trạng khí hậu ở châu Phi năm 2021” cho thấy, các hình thái mưa bị gián đoạn, các sông băng đang biến mất và các hồ có vai trò quan trọng đang bị thu hẹp.
Ngoài ra, nhu cầu về nước tăng cao, kết hợp với nguồn cung hạn chế và bất ổn có nguy cơ làm trầm trọng thêm xung đột.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ và nạn đói hoành hành ở vùng hạn hán Sừng châu Phi cho thấy biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể gia tăng trầm trọng những áp lực, căng thẳng về nguồn nước, đe dọa cuộc sống của hàng trăm nghìn người và gây bất ổn cho cộng đồng, quốc gia và toàn bộ khu vực.
Khó quản lý tài nguyên nước bền vững
Báo cáo cho thấy, thời tiết khắc nghiệt và BĐKH đang tàn phá sức khỏe và sự an toàn của con người, an ninh lương thực và nguồn nước, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Mặc dù châu Phi chỉ chiếm khoảng 2% - 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, nhưng châu lục này lại phải gánh chịu nhiều tác động của BĐKH.
Với sự tập trung đặc biệt vào tài nguyên nước, báo cáo chỉ ra tình trạng căng thẳng về nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến khoảng 250 triệu người trên lục địa và sẽ khiến 700 triệu người phải di cư vào năm 2030. Đồng thời, 4/5 quốc gia châu Phi sẽ khó có được nguồn tài nguyên nước được quản lý bền vững vào năm 2030.
Ông Taalas cảnh báo, khí hậu của châu Phi đã ấm lên nhiều so với mức trung bình toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và mực nước biển dâng tại các bờ biển châu Phi nhanh hơn những gì thế giới nghĩ. Điều này đang làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của lũ lụt, xói mòn ven biển và tăng độ mặn của nước ở các thành phố trũng thấp.
Người đứng đầu WMO cho biết, những thay đổi của các vùng nước lục địa có tác động lớn đến ngành nông nghiệp, hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Thúc đẩy hành động khí hậu
Hiện chỉ có 40% dân số châu Phi được tiếp cận với các hệ thống cảnh báo sớm các tác động của thời tiết khắc nghiệt và BĐKH. Theo yêu cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, WMO đang tiến hành một chiến dịch nhằm đảm bảo mọi người dân đều có khả năng tiếp cận các cảnh báo sớm trong 5 năm tới.
Trong khi đó, các hành động về khí hậu đang được thúc đẩy. Hơn 40 quốc gia châu Phi đã sửa đổi các kế hoạch khí hậu quốc gia của họ để làm cho các kế hoạch này trở nên tham vọng hơn và bổ sung các cam kết lớn hơn về thích ứng và giảm nhẹ khí hậu.
Báo cáo của WMO đã đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, tăng cường hợp tác xuyên biên giới, trao đổi dữ liệu và chia sẻ kiến thức.
Đồng thời, nhu cầu đầu tư nhiều hơn cho việc thích ứng là rất quan trọng, cũng như cần nỗ lực phối hợp hướng tới quản lý tài nguyên nước tổng hợp hơn.
Báo cáo được đưa ra kèm với một bản đồ ma trận chi tiết dưới dạng kỹ thuật số tại Hội nghị Bộ trưởng về sáng kiến Hệ thống hành động sớm và cảnh báo sớm tích hợp ở Maputo, Mozambique.