Sửa đổi Luật Tài nguyên nước - giải quyết những phát sinh từ thực tiễn: Hướng đến phân định rõ trách nhiệm quản lý
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:44, 13/09/2022
Bộ TN&MT đang xây dựng dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trong đó, có các quy định: Đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; làm rõ các hoạt động ưu tiên xã hội hóa, chính sách xã hội hóa trong bảo vệ, phát triển tài nguyên nước; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.
Bổ sung các nhóm nội dung trọng tâm
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, TS. Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, trên cơ sở tổng kết việc thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012, rà soát những bất cập, chồng chéo với các luật khác có liên quan, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm việc sửa đổi Luật Tài nguyên nước có tính đột phá, hiệu quả, hiệu lực trong thi hành, Bộ TN&MT đề xuất xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi với các chính sách, nội dung trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể, về bảo đảm an ninh tài nguyên nước, Luật bổ sung các quy định về bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia theo hướng tích hợp các quy định về quản lý nước trong một bộ Luật Tài nguyên nước trên cơ sở thống nhất quản lý về tài nguyên nước nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, nâng cao mức bảo đảm an ninh tài nguyên nước quốc gia, an ninh nước cấp cho sinh hoạt.
Về bảo vệ tài nguyên nước, Luật bổ sung các quy định về bổ sung nhân tạo nước dưới đất và quản lý các hoạt động trong các vùng được xác định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, vùng không có nước mặt và vùng bổ cập cho nước dưới đất; Sửa đổi, bổ sung các quy định trong các hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy và phát triển nguồn nước; Sửa đổi, bổ sung và luật hóa các quy định liên quan đến hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Về phòng chống tác hại do nước gây ra, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về các giải pháp quản lý nước mưa, phòng chống ngập lụt đô thị.
Cùng với đó, về xã hội hóa ngành nước, Luật sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tăng cường xã hội hóa trong các hoạt động thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Quan trắc tài nguyên nước; phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; bảo vệ lòng bờ, bãi sông, khôi phục cảnh quan, phát triển nguồn sinh thủy; hoạt động điều tra cơ bản; và dịch vụ công nhằm phù hợp với điều kiện thực tiễn về nguồn lực của Nhà nước.
Liên quan đến vấn đề tài chính về tài nguyên nước, Luật bổ sung quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế, giá trị hàng hóa (ngoài giá trị xã hội) và nâng cao giá trị đóng góp của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế xã hội; bổ sung công cụ kinh tế, cơ chế tài chính liên quan đến phân bổ nguồn thu cho các đối tượng thụ hưởng từ hoạt động bảo vệ nguồn sinh thủy.
Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tài nguyên nước như: Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020); Nghị định số 201/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước... Các quy định của pháp luật về tài nguyên nước đã tạo ra khung pháp lý cho các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nước, tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện, các quy định đó đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập.
Khắc phục các tồn tại, chồng chéo, xung đột
Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Minh Khuyến, ngoài 5 nhóm chính sách trên, trong quá trình sửa đổi bổ sung, Bộ TN&MT cũng sẽ xem xét sửa đổi một số nội dung nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, chồng chéo, xung đột, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước dưới đây và các nội dung Luật Tài nguyên nước khác còn bất cập, thiếu khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn: đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh gồm vật thể/đối tượng chứa nước, dòng sông, tầng chứa nước; về thủ tục hành chính.
Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm trong quản lý tài nguyên nước theo hướng thống nhất phân công trách nhiệm, phân cấp trong quản lý, bảo vệ, phát triển nguồn nước; tăng cường hiệu quả, hiệu lực, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức lưu vực sông; bổ sung các quy định, giải pháp quản lý, kỹ thuật để giảm thiểu tác động sụt lún đất, xâm nhập mặn trong hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất; tách bạch giữa quản lý khai thác với quản lý sử dụng; cơ chế, chính sách chi trả kinh phí đối với đơn vị khai thác, sử dụng nước thượng nguồn nếu gây thiệt hại cho công trình công ích ở hạ du thì phải hỗ trợ kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp hệ thống công trình công ích ở hạ du.
Dự thảo Luật bổ sung nội dung về xác định các vùng, tiểu lưu vực, nguồn nước phải lập kế hoạch chi tiết sử dụng nước trong quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề cụ thể của từng lưu vực sông xảy ra ở tiểu lưu vực đang gặp phải như vấn đề hạn hán, ô nhiễm, suy thoái, lũ lụt,... tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực.
Quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, các bộ, ngành địa phương, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện xây dựng kịch bản ứng phó, điều hòa, phân bổ nguồn nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước và thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ bổ sung các quy định hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng, tích hợp công nghệ 4.0 vào các ngành công nghiệp là xu thế tất yếu của xã hội hiện nay. Với những cải tiến vượt trội, dựa trên nền tảng công nghệ số và các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, công nghệ 4.0 sẽ là yếu tố hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển bền vững của ngành nước Việt Nam, bao gồm cả cấp thoát nước, lọc nước và xử lý nước thải. Các giải pháp số có thể điều chỉnh quản lý tài nguyên nước để giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên, quản lý nhu cầu về nước, giải quyết mối quan hệ nước - năng lượng và ngăn chặn sự suy thoái hệ sinh thái.
Việc ứng dụng quản lý nước thông minh mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh...
Áp dụng quản trị nước thông minh, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ... Cơ chế này sẽ khuyến khích các đơn vị cấp nước chủ động, sáng tạo, ứng dụng các mô hình quản trị thông minh phù hợp trong thời gian tới góp phần đảm bảo an toàn cấp nước, an ninh nguồn nước và phát triển an sinh xã hội.