Giảm đầu mối kiểm toán, tập trung kiểm toán phục vụ quyết toán ngân sách Nhà nước

Trong nước - Ngày đăng : 22:08, 12/09/2022

(TN&MT) - Thảo luận về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị KTTN cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách Nhà nước.

Chiều 12/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo công tác năm 2022 và Kế hoạch kiểm toán năm 2023 của KTNN. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

3.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng, chuyển 8 vụ việc sang cơ quan điều tra

Tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn cho biết, mặc dù, trong những tháng đầu năm 2022, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, song toàn ngành KTNN đã chủ động, tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, khắc phục mọi khó khăn với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, chất lượng và đạo đức công vụ”, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ năm 2022 đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực công tác.

Tính đến 31/8/2022, KTTN đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 dự thảo báo cáo kiểm toán; phát hành 162 báo cáo kiểm toán. Kết quả kiểm toán cho thấy, có đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách; quản lý tài sản, đất đai, tài nguyên khoáng sản; quản lý doanh thu, chi phí; một số chính sách còn bất cập, chậm sửa đổi và chưa sát thực tế, hiệu quả chưa cao…

Sơ bộ kết quả kiểm toán 8 tháng năm 2022 của 162 báo cáo kiểm toán đã phát hành và 6 báo cáo kiểm toán chuyển từ kế hoạch kiểm toán 2021 sang, KTTN kiến nghị xử lý 22.036 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý không phù hợp... KTNN cũng chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện trong quá trình kiểm toán sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, tổng hợp sơ bộ đến 31/8/2022, các đơn vị đã thực hiện 37.924,2 tỷ đồng, đạt 56,3% (cùng kỳ năm trước 49,9%); các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 15 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp; có 24 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.

1(2).jpg
Phó Tổng Kiểm toán phụ trách KTNN Ngô Văn Tuấn báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Bên cạnh việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2022, Tổng KTTN đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 và kế hoạch kiểm toán năm 2023, theo đó, tăng số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin theo Chiến lược phát triển đã đề ra; thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Phó Tổng Kiểm toán phụ trách KTTN Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2023, KTTN dự kiến thực hiện 141 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 37 nhiệm vụ so với kế hoạch kiểm toán năm 2022. Trong đó ngoài nhiệm vụ kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, trình ý kiến về dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023...

Thẩm tra nội dung báo cáo của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đánh giá của KTNN; ghi nhận kết quả và những nỗ lực thực hiện KHKT năm 2022 của Ngành kiểm toán. Tuy nhiên, để phát huy kết quả đạt được, đề nghị KTNN báo cáo bổ sung một số nội dung về đánh giá cụ thể tính hiệu quả, hiệu lực cả về phương thức tổ chức, quản lý, điều hành và kết quả kiểm toán đạt được khi áp dụng mô hình Ban Chỉ đạo khi thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô lớn để tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong tổ chức các cuộc kiểm toán có tính chất, quy mô tương tự trong triển khai kế hoạch kiểm toán 2023 và các năm tiếp theo.

2(3).jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, bổ sung báo cáo chi tiết các vi phạm đã được phát hiện, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để bổ sung, cung cấp thông tin, số liệu cho Quốc hội xem xét, phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4; cung cấp thông tin, số liệu kết quả kiểm toán cho Hội đồng Nhân dân các cấp, các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời, xử lý, khắc phục các vi phạm và lưu ý trong quá trình phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2021; đánh giá làm rõ kết quả thí điểm kiểm toán từ xa đối với VNPT và báo cáo khả năng mở rộng loại hình kiểm toán này trong thời gian tới.

Giảm đầu mối kiểm toán

Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023, Ủy ban Thẩm tra cơ bản nhất trí với các nguyên tắc định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán và mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2023 đã nêu trong báo cáo.

Đồng thời, cho biết, đa số ý kiến đề nghị cắt giảm chủ đề và số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình, dự án, lĩnh vực doanh nghiệp để tập trung thực hiện các cuộc kiểm toán phục vụ cho quyết toán ngân sách nhà nước. Lưu ý rà soát danh sách lựa chọn các Bộ, ngành, địa phương tại các cuộc kiểm toán để tránh chồng chéo, tối đa một bộ, ngành, địa phương không quá không quá 2 chuyên đề/năm và 3 cuộc kiểm toán/năm và hạn chế trong cùng một thời điểm có nhiều cuộc kiểm toán tại Bộ, ngành và trên địa bàn.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, nhấn mạnh trong bối cảnh đặc biệt như hiện tại, KTNN cần giảm bớt số cuộc kiểm toán, xác định rõ nội dung nào là trọng tâm để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, đến nơi đến chốn nhằm mang lại những tác động lan tỏa, tích cực.

Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản cho rằng, KTNN cần lưu ý đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tổng kết việc thực hiện thí điểm các cuộc kiểm toán từ xa; có giải pháp nhân rộng, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc cụ thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân về các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; có giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán…

6.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc Phiên họp. Ảnh: quọhoi.vn

Phát biểu kết thúc Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với mục tiêu, định hướng và lĩnh vực kiểm toán như KTNN đề xuất. Tuy nhiên, đề nghị KTNN tiếp tục tập trung tăng cường thực hiện các cuộc kiểm toán chuyên đề phục vụ công tác phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội; tăng cường kiểm toán việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, tiền tệ, những vấn đề liên quan đến nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, quản lý sử dụng vốn đầu tư, kinh phí chuyển nguồn ngân sách…

Trên cơ sở phiên họp hôm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị KTNN tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách để hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội, trong đó, báo cáo công tác năm 2022 sẽ trình Quốc hội nghiên cứu xem xét, còn kế hoạch kiểm toán năm 2023 sẽ gửi xin ý kiến Quốc hội.

Thanh Tùng