Chuyển đổi xanh - Sử dụng năng lượng điện thay thế dầu nhiên liệu
Kinh tế - Ngày đăng : 21:12, 09/09/2022
Theo lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh, bao gồm từ đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng hải và đường hàng không. Bắt đầu giai đoạn từ 2022 – 2030, cần nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng xanh, và tập trung chuyển đổi năng lượng điện trong ngành giao thông vận tải.
Lộ trình chuyển hoa “xanh”từ năm 2022 – 2030
Với chiến lược mục tiêu dài hạn, đường bộ cần thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sang sử dụng điện; mở rộng phối trộn, sử dụng 100% xăng E5 với các phương tiện cơ giới còn lưu hành. Phát triển và xây mới hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Đối với đường sắt, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thí điểm phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh, đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hoá. Khuyến khích chuyển đổi trang thiết bị bốc, xếp, tại các nhà ga sang thiết bị sử dụng điện, cũng như xây dựng kế hoạch và đầu tư thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng phương tiện có thể sử dụng bằng năng lượng điện.
Đường thủy nội địa cũng được khuyến khích đầu tư, đóng mới, nhập khẩu, chuyển đổi phương tiện thủy nội địa sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang sử dụng năng lượng xanh. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng tiêu chí cảng xanh, tuyến vận tải xanh làm cơ sở mới của cơ chế, chính sách, áp dụng thí điểm tại một số cảng thủy nội địa và nghiên cứu, đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh.
Đặc biệt, trong giao thông đô thị từ 2025, 100% xe buýt được thay thế, đầu tư sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%; TP.HCM đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25% - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10% - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%. Từ năm 2030: Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi được thay thế, đầu tư mới sử dụng điện để đến năm 2050, 100% xe buýt, xe taxi hoàn toàn sử dụng năng lượng xanh.
Qua đó, nhiều chính sách, cơ chế được ban hành nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nâng cao hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực đáp ứng được sự đổi mới. Đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung các chiến lược, quy hoạch ngành kỹ thuật quốc gia, chuyên ngành giao thông vận tải nhằm triển khai thực hiện kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phù hợp với định hướng sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính một cách hiệu quả.
Xây dựng giải pháp nâng cao sử dụng năng lượng điện
Trong nhiệm vụ và giải pháp đề xuất để thí điểm, nâng cao chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, Chính phủ tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách quy hoạch liên quan đến chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính; bổ sung sửa đổi, hoàn thiện các quy định về điều kiện tham gia giao thông, điều kiện kinh doanh, đăng kiểm để giảm dần số lượng và tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng nhiên liệu.
Chuyển đổi phương tiện sử dụng điện và năng lượng xanh đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thuỷ nội địa, tàu biển hoạt động tuyến nội địa, tàu bay. Cùng với đó, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông xanh cho đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không bằng cách xây dựng tiêu chí môi trường xanh, quy hoạch những hệ thống hạ tầng cung cấp điện, năng lượng xanh hữu dụng.
Chương trình còn chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính: Áp dụng giới hạn tiêu thụ mức nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo lộ trình, hướng tới giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính; quy định về hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như tổ chức vận tải khoa học trên cơ sở phát triển hợp lý các phương thức vận tải.
Nâng cao thị phần vận tải hành khách công cộng tại các đô thị; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Từng bước tăng cường hợp tác quốc tế, khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và truyền thông trong việc huy động đa dạng nguồn vốn hỗ trợ tài chính từ các quỹ trên thế giới, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; nghiên cứu, phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ phương tiện, thiết bị sử dụng điện, năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, cung ứng năng lượng xanh; đặc biệt chú trọng công nghệ, công nghiệp hỗ trợ phát triển phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, để có thể huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước phát huy thế mạnh, thực hiện nhiệm vụ và giải pháp trong ngành giao thông vận tải trên lĩnh vực toàn quốc.