Đề xuất chính sách đất đai cho phát triển hạ tầng viễn thông

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 10:18, 08/09/2022

(TN&MT) - Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai cần nghiên cứu sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho việc sử dụng đất để phát triển hạ tầng viễn thông.

Việc sửa đổi này nhằm phù hợp với xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi số quốc gia và Điều 57 Luật Viễn thông quy định, các công trình viễn thông công cộng được ưu tiên sử dụng không gian, mặt đất, lòng đất, đáy sông, đáy biển.

Tạo thuận lợi cho việc sử dụng đất để phát triển hạ tầng viễn thông

Cụ thể, trong quá trình phát triển mạng viễn thông công cộng, các doanh nghiệp viễn thông cần thực hiện ký kết các hợp đồng/thỏa thuận thuê vị trí, mặt bằng để xây dựng công trình viễn thông. Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 13, Dự thảo quy định nghiêm cấm hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, Khoản 4, Điều 166, Dự thảo quy định: “Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác”.

4.jpg

Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị bổ sung quy định các chủ thể được Nhà nước giao, quản lý sử dụng đất được phép thỏa thuận, cho doanh nghiệp viễn thông thuê vị trí, mặt bằng để lắp đặt công trình viễn thông phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về viễn thông.

Bên cạnh đó, theo Dự thảo Luật, đất công trình viễn thông thuộc loại đất sử dụng vào mục đích công cộng, phân loại là đất phi nông nghiệp; đất trồng lúa, đất trồng cây nông nghiệp, đất rừng phân loại là đất nông nghiệp. Tại Điều 59, Dự thảo Luật (Chuyển mục đích sử dụng đất) quy định “Chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp” phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Thực tế đối với một số loại công trình viễn thông như trạm viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động (cột ăng-ten), việc xây dựng các công trình này không làm ảnh hưởng nhiều đến mục đích sử dụng đất như đất rừng, đất nông nghiệp. Do đó, để tạo cơ chế thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông được lắp đặt, xây dựng các công trình viễn thông trên đất rừng, đất nông nghiệp, đề nghị nghiên cứu bổ sung trường hợp cho phép giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình viễn thông như trạm viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động (cột ăng-ten) thì không phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại một số điều trong Dự thảo như: Khoản 2, Điều 56, Khoản 1, Điều 59, Khoản 5, Điều 121... có phân loại đất sử dụng vào mục đích công cộng, trong đó, bao gồm xây dựng công trình viễn thông theo 2 loại: có mục đích kinh doanh và không có mục đích kinh doanh với cơ chế quản lý khác nhau. Đề nghị làm rõ “mục đích kinh doanh” trong Dự thảo được hiểu là như thế nào và cân nhắc thêm đến đặc điểm của các công trình viễn thông công cộng để phân loại phù hợp, bảo đảm định hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đất để phát triển hạ tầng viễn thông, vì mặc dù, công trình viễn thông công cộng do doanh nghiệp viễn thông thiết lập phục vụ kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng có vai trò là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đề nghị rà soát thống nhất thuật ngữ sử dụng trong Dự thảo “viễn thông”, “thông tin liên lạc”...

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 56, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất như sau: “Đất sử dụng để xây dựng cơ sở hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập không nhằm mục đích kinh doanh”. Vì theo Khoản 4, Điều 3, Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công có quy định cơ sở hoạt động sự nghiệp là đất, nhà làm việc, công trình sự nghiệp và tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý và cung cấp dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công lập. Trên thực tế, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập có hoạt động không nhằm mục đích kinh doanh, ví dụ như hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước...

Làm rõ mối quan hệ giữa Hệ thống thông tin đất đai với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai

Chương XI quy định về Hệ thống thông tin đất đai và Cơ sở dữ liệu đất đai, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, trong các điều khoản của chương này mới chỉ quy định về Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Do đó, đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa Hệ thống thông tin đất đai với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai; quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Bổ sung các quy định về các hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai khác mà không phải là Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai (nếu có).

Theo đó, cần quy định rõ thêm phạm vi các hoạt động nghiệp vụ quản lý Nhà nước về đất đai các cấp sẽ phải thực hiện tập trung trên hệ thống Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất. Nội dung Dự thảo Luật chưa làm rõ được các địa phương có được phép xây dựng các hệ thống thông tin đất đai của địa phương hay không. Nếu được xây dựng thì phạm vi tin học hóa/chuyển đổi số nghiệp vụ nào (hoặc không tin học hóa/chuyển đổi số nghiệp vụ nào để tránh trùng lặp với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai), đề nghị quy định bổ sung.

Dự thảo Luật chưa quy định các địa phương có được xây dựng các cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương hay không. Nếu không được xây dựng thì cần có quy định chuyển tiếp để các địa phương thực hiện (để xử lý các cơ sở dữ liệu của địa phương đã xây dựng theo Luật cũ). Trường hợp được phép xây dựng, cần có quy định về mối quan hệ giữa cơ sở dữ liệu đất đai của địa phương với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Cân nhắc bổ sung thêm quy định về giá trị pháp lý của dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định việc sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có giá trị thay thế các văn bản của cơ quan có thẩm quyền, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cải cách hoạt động hành chính, các hoạt động xã hội có liên quan đến quyền sử dụng đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về: “Xây dựng và tổ chức triển khai hạ tầng số, nền tảng dữ liệu số ngành tài nguyên và môi trường, ưu tiên xây dựng nền tảng dữ liệu đất đai quốc gia, bản đồ số quốc gia mở bảo đảm cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin, đóng góp các nền tảng số cho phát triển kinh tế số, xã hội số” theo định hướng của Chiến lược Quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ…

Thúy Nhi