Thị trường bất động sản trầm lắng: Nhà đầu tư “săn” nhà đất giá rẻ
Bất động sản - Ngày đăng : 10:16, 08/09/2022
Cơ hội cho nhà đầu tư có tiềm lực
Báo cáo thị trường BĐS tháng 7 thực hiện bởi Batdongsan.com cho thấy, trong những tháng gần đây, giao dịch trên thị trường BĐS diễn ra khá chậm. Mức độ quan tâm BĐS bán toàn quốc giảm 4%, trong khi lượng quan tâm đến BĐS cho thuê tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tại nhiều tỉnh như: Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... ghi nhận mức độ quan tâm BĐS thể hiện nhu cầu giảm nhưng lượng tin đăng BĐS phần nào phản ánh nguồn cung tăng so với 7 tháng đầu năm 2021.
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, thời gian này, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại, giao dịch trên thị trường rất chậm, trong khi đó, NĐT lại khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng hơn trước đây. Nhiều NĐT đang bị “mắc kẹt” phải chấp nhận cắt lỗ, cùng nguồn cung từ BĐS thế chấp do ngân hàng phát mại sẽ mang đến lựa chọn mới đa dạng, giá rẻ cho những NĐT có tiềm lực về tài chính.
Cũng theo các chuyên gia, cơn “sốt đất” vào đầu năm 2022 đã hạ nhiệt vào quý III/2022, sóng săn đất cũng đã hạ, nhu cầu mua chững lại đồng nghĩa với xu hướng tăng giá “chóng mặt” tại nhiều khu vực cũng dừng theo và giá BĐS tại các điểm “nóng” nhà đất từ đà đi lên chuyển sang đi ngang. Thực tế, khi thị trường hạ nhiệt, nhiều NĐT đã có động thái chờ đợi những đợt bán tháo, giảm giá sâu để "bắt đáy".
Anh Nguyễn Minh Thành, một NĐT BĐS (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết: “Quan điểm của tôi là mua vào khi thị trường BĐS trầm lắng và bán ra khi thị trường sôi động. Đây cũng là thời điểm tốt để các NĐT sẵn tiền bắt đầu đi "săn đất" bị bán cắt lỗ. Ngoài ra, để biết rõ mảnh đất mình mua có đúng là “cắt lỗ” hay chỉ là chiêu trò của người bán thì nên chọn ra một vài khu vực có tiềm năng, cơ sở hạ tầng tốt”.
Cẩn trọng khi “bắt đáy”
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com nhận định, từ nay đến cuối năm 2022, thị trường BĐS sẽ tiếp tục đi vào tình trạng trầm lắng. Nguyên nhân do những tác động từ chính sách pháp luật đang trong quá trình thay đổi, chính sách tiền tệ với việc kiểm soát tín dụng vào BĐS. Tuy nhiên, thị trường BĐS rơi vào trạng thái trầm lắng là tín hiệu tốt cho những NĐT dài hơi. Thị trường trầm lắng sẽ sàng lọc đi những NĐT không chuyên bị vỡ kế hoạch, gãy đòn bẩy tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn hiện nay, các NĐT cần xác định chiến lược đầu tư trong trung và dài hạn, tránh sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn để sẵn sàng tâm thế cho sự biến động về giá mua - bán lẫn thanh khoản của thị trường BĐS. Giai đoạn này cũng có thể sẽ mở ra cho NĐT có tiềm lực về tài chính nhiều cơ hội để sở hữu nhà đất có vị trí đẹp với giá bán hợp lý.
Ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, giá bán BĐS trên thị trường thứ cấp ghi nhận sự sụt giảm cục bộ ở một số dự án hết chương trình ân hạn nợ gốc, tài trợ lãi của chủ đầu tư dự án hoặc một số thị trường, phân khúc sản phẩm BĐS có tính thanh khoản thấp, mang tính chất đầu cơ. Nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng sụt giảm cục bộ là do lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính.
“Một lý do khác, do tình trạng sốt đất ảo đẩy giá bán BĐS tăng - giảm với biên độ lớn ở một số nơi có thông tin quy hoạch, hạ tầng không rõ ràng. Song, quy hoạch này không được thực hiện cũng làm giá BĐS ở các khu vực này sụt giảm mạnh, thị trường gần như mất thanh khoản sau khi cơn sốt đi qua. Việc giảm giá này sẽ không đại diện cho toàn thị trường mà chỉ ở một số khu vực cục bộ, ở những điểm sốt nóng trước đây. Thị trường đang diễn biến thanh lọc NĐT không có tiềm lực tài chính và dùng đòn bẩy tài chính quá nhiều khi đầu tư BĐS” - ông Lâm phân tích.
Nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, năm 2022 không phải là năm có thể tăng giá BĐS tại các tỉnh, thành phía Nam nói chung, thậm chí sẽ có một số nơi phải giảm giá thì mới bán được. Những khu vực mà NĐT đón sóng BĐS với mong muốn tăng giá nhiều lần thì nay đã chững lại. Thời điểm này là mùa “săn” đất bắt đầu khởi động. Dự báo, danh sách nhà đất phát mại thu nợ sẽ tăng dần và sẽ xuất hiện nhiều nhà, đất đẹp được chào bán. Song, các chuyên gia cũng lo ngại, giá nhà đất tại một số khu vực đã tăng 200% - 500%, việc mua “ôm” đất cũng sẽ là điều mà NĐT nên cân nhắc.