10 năm triển khai Chiến lược khoáng sản: Nhiều kết quả khả quan

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:13, 08/09/2022

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược khoáng sản), Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tích cực triển khai, cụ thể hóa nội dung thăm dò, khai thác, chế biến đối với một số loại khoáng sản quan trọng và đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, còn tồn tại không ít hạn chế, khó khăn.

Đối với khoáng sản than, công tác thăm dò, khai thác, chế biến đến nay đã đạt được các nội dung cơ bản của định hướng chiến lược, than nâu vùng Đồng bằng Sông Hồng khoan sâu đến 1100m. Tuy nhiên, đến nay chưa nghiên cứu và lựa chọn được phương pháp khai thác thử nghiệm đối với than nâu vùng Đồng bằng Sông Hồng như Chiến lược khoáng sản đề ra.

11-2-.jpg

Hoạt động thăm dò, điều tra về khoáng sản

Về khoáng sản phóng xạ (urani), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về trữ lượng khi thăm dò quặng urani tại Pà Lừa - Pà Rồng (Quảng Nam). Hiện chưa tiến hành nghiên cứu công nghệ khai thác, chế biến quặng urani để phục vụ nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy điện nguyên tử mà Chiến lược đã đặt ra do đang tạm dừng triển khai xây dựng nhà máy điện nguyên tử tại Ninh Thuận.

Đối với khoáng sản kim loại, cụ thể với quặng titan - zircon, mục tiêu về thăm dò đã đạt được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, công tác xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan vẫn chưa đạt mục tiêu trong khi Chiến lược đã đặt ra kế hoạch thực hiện tại khu vực Lương Sơn (tỉnh Bình Thuận và xây dựng các nhà máy chế biến sâu quặng titan (rutil nhân tạo, pigment, titan xốp, titan kim loại).

Với quặng bô-xít, công tác thăm dò các mỏ bô - xit vùng Tây Nguyên, Bình Phước cơ bản hoàn thành với trữ lượng quặng bô - xit cơ bản đáp ứng xây dựng ngành công nghiệp khai thác, chế biến lâu dài. Đồng thời, công tác thăm dò đã hoàn thành xây dựng, vận hành 2 tổ hợp khai thác bô - xit - alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông) với công nghệ sản xuất alumin thuộc loại tiên tiến và bắt đầu hoạt động có hiệu quả là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô đầu tư trong thời gian tới; về chế biến chuyên sâu, đã triển khai nghiên cứu khả thi nhà máy sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.

Với quặng đất hiếm, đã hoàn thành thăm dò các mỏ Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái). Tuy nhiên, các dự án khai thác, chế biến quặng đất hiếm tại mỏ Đông Pao (dự kiến năm 2019) có sản phẩm tinh quặng không đạt và đang tạm dừng hoạt động, chưa gắn kết được đầu tư chế biến sâu đất hiếm...

Đối với khai thác, chế biến quặng đồng, đã hoàn thành đầu tư và vận hành đồng bộ tổ hợp khai thác - tuyển quặng đồng tại mỏ đồng Sinh Quyền, Tà Phời và nhà máy luyện đồng kim loại tại Bản Qua, Tằng Loỏng (tỉnh Lào Cai) với quy mô công nghiệp, công nghệ tầm cỡ khu vực, không xuất khẩu quặng đồng.

Các loại khoáng sản như chì - kẽm, mangan…, các mỏ có tiềm năng về cơ bản đã được thăm dò, đánh giá trữ lượng, tuy nhiên phần lớn các mỏ đang được khai thác, chế biến ở quy mô trung bình và nhỏ, chưa quan tâm nhiều đến công nghệ sạch để tiết kiệm và hạn chế thải ô nhiễm.

Đối với khoáng sản không kim loại, cụ thể là khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, sau 10 năm thực hiện Chiến lược, các mỏ đá vôi, đã sét đã thăm dò đủ trữ lượng để khai thác theo quy hoạch. Với nhu cầu sử dụng nguyên liệu cho sản xuất xi măng hiện nay trung bình khoảng 110 triệu tấn đá vôi/năm, 21 triệu tấn đất sét/năm và 15 triệu tấn phụ gia cho sản xuất xi măng/năm thì trữ lượng và năng lực khai thác, chế biến hiện hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ ngành sản xuất xi măng trong 20 - 25 năm tới. Ngành công nghiệp khai thác, sản xuất xi măng của Việt Nam phát triển nhanh chóng, sản lượng tăng gấp 2 lần sau 10 năm đưa Việt Nam vào danh sách top 5 thế giới về năng lực sản xuất xi măng (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga).

11-1-.jpg

Nguồn khoáng sản “vàng đen” của đất nước

Với khoáng sản đá hoa trắng, thực hiện Chiến lược khoáng sản, công tác thăm dò đá hoa trắng được đẩy mạnh với trữ lượng đã phê duyệt trên 600 triệu tấn làm bột cacbonnat canxi, trên 150 triệu m3 làm đá ốp lát tập trung tại Nghệ An, Yên Bái, đủ để khai thác với công suất hiện tại trong 20 năm tới.

Khoáng sản làm nguyên liệu gốm sứ - thủy tinh, cát trắng silic có tiềm năng trữ lượng rất lớn, tập trung ở các tỉnh Duyên hải ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ với tổng trữ lượng đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng 10 năm qua khoảng gần 80 triệu tấn, nâng tổng trữ lượng toàn quốc lên trên 150 triệu tấn. Tuy nhiên, công nghệ khai thác, chế biến cát trắng còn ở mức hạn chế, hoạt động khai thác ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển du lịch của nhiều địa phương (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình...) nên nhiều mỏ đã thăm dò nhưng chưa đưa vào khai thác.

Khoáng sản làm nguyên liệu ốp lát, đá ốp lát tự nhiên của nước ta có tiềm năng rất lớn và đa dạng phân bố chủ yếu tại các tỉnh Nghệ An, Yên Bái, Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,... 10 năm qua, tổng trữ lượng đá ốp các loại đã thăm dò, được phê duyệt khoảng trên 150 triệu m3, với công suất khai thác hiện tại đủ khai thác trên 20 năm. Hiện có khoảng 200 nhà máy chế biến đá ốp lát trên toàn quốc với tổng công suất trên 18 triệu m2/năm, tuy nhiên sản lượng thực tế thấp, đạt khoảng 50%.

Với quặng apatit, đã có 6 khu vực được thăm dò bổ sung nâng cấp trữ lượng với tổng trữ lượng đã phê duyệt gần 2 triệu tấn. Thực hiện Chiến lược khoáng sản, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chú trọng thực hiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản apatit; đầu tư và bổ sung các thiết bị mới hiện đại có năng suất cao, tiêu tốn ít năng lượng và hoàn thiện công nghệ tuyển, giảm độ ẩm quặng tinh. Đã có 3 khu vực được đưa vào dự trữ khoáng sản với diện tích 332km2, tài nguyên 1,6 tỷ tấn quặng.

Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT), thực hiện Chiến lượng khoáng sản, các địa phương đã đẩy mạnh cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản làm VLXDTT gồm: Đá, cát, sỏi xây dựng và san lấp, sét làm gạch ngói. Đến nay, đã thăm dò và phê duyệt trữ lượng trên 950 triệu m3 đá, trên 650 triệu m3 đất sét gạch ngói, trên 400 triệu m3 cát, sỏi và trên 200 triệu m3 đất, cát làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng khoáng sản làm VLXDTT như hiện nay, nhất là đá và cát, sỏi sẽ không đủ trữ lượng để khai thác trong 10 năm tới.

Mai Đan