Quảng Ninh: Dân sống thấp thỏm bên tuyến đê biển xuống cấp
Tiếng dân - Ngày đăng : 20:24, 07/09/2022
Sống bấp bênh bên tuyến đê xuống cấp
Tuyến đê biển Điền Công chạy vòng tròn ôm trọn xã đảo Điền Công và bảo vệ người dân, mùa màng khỏi triều cường vào mùa mưa bão. Từ năm 2019, xã Điền Công đã sáp nhập vào phường Trưng Vương (TP. Uông Bí) được chia thành 3 khu phố là Điền Công 1, Điền Công 2 và Điền Công 3.
Tuyến đê Điền Công được coi như “lá chắn” bảo vệ an toàn cho người dân và trên 1.100ha đất canh tác nông nghiệp và đầm, ao nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đê đang bị xuống cấp, mặt đê bị bào mòn, lún sụt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn mỗi khi bão lớn đổ về kết hợp triều cường dâng cao.
Tuyến đê Điền Công được đắp vào những năm 1992, 1993, chủ yếu được đắp thủ công với đất đắp tuyến đê là đất sét pha cát mịn. Thực tế, tuyến đê nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, hàng năm bị ảnh hưởng rất lớn của triều cường, dòng chảy mạnh nên bị bào mòn, sụt lún, dẫn đến nguy cơ dễ bị vỡ đê mỗi khi đến mùa mưa bão. Trận bão lịch sử năm 1955, mưa lớn, gặp triều cường lớn, cộng với gió to nên một số đoạn xung yếu của tuyến đê bị vỡ, nước dâng tràn ngập cả làng, thiệt hại rất lớn.
Ông Vũ Văn Moi, nhà ở khu Điền Công 1 cho biết, tuyến đê đất được đắp gần hàng chục năm trước, nay ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2005, người dân xã Điền Công tiếp tục hứng chịu trận mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nước tràn qua thân đê, đe dọa đến tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân. Đến nay, cứ mỗi khi nghe tin bão lớn, người dân nơm nớp lo chằng chống nhà cửa, bà con cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền sớm đầu tư, nâng cấp toàn bộ tuyến đê để ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Được biết, TP. Uông Bí đã có một vài năm sửa chữa những đoạn đê xung yếu của tuyến đê Điền Công. Tuy nhiên, do thân đê đắp chủ yếu bằng đất pha cát, qua nhiều năm bị xói mòn, khiến cao trình đê thấp dần theo từng năm. Hiện nay, toàn tuyến đê Điền Công một số đoạn đang bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được sửa chữa, nâng cấp.
Cần sớm nâng cấp tuyến đê Điền Công
Đi dọc tuyến đê Điền Công, chúng tôi càng hiểu rõ thêm nỗi lo lắng của người dân, nhất là đang trong mùa mưa bão. Bởi, nhiều đoạn xung yếu của đê bị xuống cấp nghiêm trọng, một số đoạn bị bào mòn, chân đê trơ đá, cây cối mọc um tùm. Cùng với đó, tuyến đê này có 7 cống thoát nước, tuy nhiên các cống tiêu này cũng đang bị xuống cấp, mỗi khi gặp triều cường dân rất khó tiêu thoát nước.
Hơn nữa, tuyến đê Điền Công hiện nay bị xuống cấp, mặt đê lổn nhổn đất đá, khiến việc đi lại của người dân rất vất vả, chủ yếu bằng xe máy, nhiều đoạn phải xuống dắt bộ, nên nếu khi đê xảy ra sự cố sẽ rất khó khăn trong việc huy động người và phương tiện tham gia ứng cứu.
Ông Đoàn Văn Nhiệm, nhà ở khu Điền Công 3 chia sẻ, gia đình tôi và nhiều hộ trong xóm dựa vào nguồn thu nhập chính bằng nghề nuôi trồng thủy sản, cứ mỗi lần có bão lớn cùng với triều cường dâng cao, nước mấp mé bờ các ao, đầm nuôi tôm cá, khiến bà con hô nhau di chuyển lên chỗ cao hơn. Nhiều năm qua, tuyến đê chống chọi với bão to, gió lớn chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ khiến thân đê ngày càng yếu thêm. Mong rằng tuyến đê Điền Công sớm được tu bổ, sửa chữa để người dân địa phương yên tâm sinh sống và sản xuất.
Theo tìm hiểu, năm 2007, tuyến đê này được nâng cấp, sửa chữa với chiều dài hơn 9km. Gần đây nhất, giai đoạn 2017- 2019, TP. Uông Bí tiếp tục nâng cấp 1,78km đoạn đê xung yếu nhất. Tuy nhiên, do thân đê đắp chủ yếu bằng đất pha cát, qua nhiều năm bị xói mòn, khiến tuyến đê ngày càng xuống cấp trầm trọng.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Nguyễn Hồng Quảng, Phó chủ tịch UBND phường Trung Vương cho biết, hiện tuyến đê Điền Công được giao cho địa phương quản lý nhưng ngân sách lại không được phân bổ. Nhiều năm qua, người dân địa phương nhiều lần kiến nghị nhưng do nguồn vốn đầu tư lớn, cơ quan chức năng chưa thể bố trí vốn sửa chữa ngay. Giải pháp là hàng năm địa phương đều xây dựng phương án chủ động phòng chống sự cố cho đê và tiến hành gia cố một số đoạn xung yếu.