Sớm hoàn thiện đề án Thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng Hội đồng EPR.

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 20:58, 06/09/2022

(TN&MT) - Chiều 6/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp, nghe Tổng cục Môi trường báo cáo đề án thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia.
1img_9131.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục Môi trường cho biết: Hội đồng EPR quốc gia được quy định tại điều 88 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Hội đồng có nhiệm vụ tư vấn, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Theo dự thảo, Hội đồng EPR có chức năng tư vấn, đề xuất với Bộ trưởng các giải pháp chính sách quản lý, giám sát thực hiện tái chế, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất và nhà nhập khẩu; đề xuất tiêu chí ưu tiên, hình thức thực hiện, mức hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng có nhiệm vụ thông qua các đề nghị mức hỗ trợ tài chính của cơ quan tổ chức có liên quan; thông qua và trình Bộ trưởng ban hành quy chế quản lý và sử dụng tiền đóng góp tài chính vào quỹ bảo vệ môi trường, hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch báo cáo hoạt động hàng năm về quản lý, giám sát tình hình thực hiện trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu.

Hội đồng EPR quốc gia làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Cơ cấu Hội đồng EPR quốc gia gồm đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện các nhà sản xuất, nhập khẩu; đại diện đơn vị tái chế, đơn vị xử lý chất thải và đại diện tổ chức xã hội, môi trường có liên quan.

2img_9123.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Cũng theo dự thảo, văn phòng Hội đồng EPR quốc gia là cơ quan giúp việc cho Hội đồng EPR quốc gia và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức quản lý, giám sát và hỗ trợ việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Văn phòng Hội đồng EPR có nhiệm vụ tổ chức giám sát, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ tái chế, trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu; tổng hợp, thu thập thông tin, dữ liệu về trách nhiệm tái chế, xử lý chất thải. Văn phòng Hội đồng cũng là đầu mối tiếp nhận, tổng hợp và tổ chức thẩm tra hồ sơ đề nghị hỗ trợ tài chính cho hoạt động tái chế, thu gom, xử lý chất thải để trình Hội đồng EPR quốc gia. Vận hành Cổng thông tin điện tử EPR quốc gia, xây dựng các báo cáo quốc gia về thực thi EPR. Ngoài ra, thực hiện các chức năng khác như nghiên cứu khoa học công nghệ, thông tin, trao đổi, truyền thông, hợp tác, thực hiện các chương trình, dự án.

Ngoài ra, dự thảo đề án cũng đề cập đến cơ cấu tổ chức bộ máy; nhiệm vụ quyền hạn của các thành viên Hội đồng; cơ chế hoạt động của Hội đồng và Văn phòng Hội đồng.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi, góp ý vào đề án thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia về các vấn đề liên quan đến chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của của Hội đồng EPR, Văn phòng Hội đồng EPR, cơ chế tài chính và cách thức, tiêu chí lựa chọn tổ chức xử lý, tái chế.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến và tiếp tục phối hợp với các Vụ: Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính và Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện đề án thành lập Hội đồng EPR quốc gia và Văn phòng Hội đồng EPR quốc gia. Bên cạnh đó, gửi lấy ý kiến bằng văn bản các đơn vị: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, và các Bộ tham gia trong hội đồng EPR. Ngoài ra, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng yêu cầu Tổng cục Môi trường cần khẩn trương hoàn thiện đề án để trình Bộ trưởng ký ban hành.

Hoàng Ngân