Bảo tồn hệ sinh thái san hô - Bài 3: Các mô hình và giải pháp phục hồi
Biển đảo - Ngày đăng : 20:33, 01/09/2022
Số liệu từ Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho thấy, từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Kiên Giang hiện có khoảng 40 - 60% cỏ biển, 70% là rừng ngập mặn đã biến mất và khoảng 11% các rạn san hô đã bị phá hủy hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi. Đáng chú ý, có khoảng 20% rạn có độ phủ san hô sống nghèo (độ phủ 0-25%), 60% thuộc loại thấp (26-50%), 17% còn tốt (51-75%) và chỉ có 3% rất tốt (dưới 75%). Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 cũng chỉ rõ, hiện trạng rạn san hô ở vùng biển Việt Nam đã bị suy thoái từ mức rạn phát triển trung bình (bậc 3) xuống mức rạn phát triển nghèo nàn (bậc 1, bậc 2). Theo đó, hiện tượng suy thoái rạn san hô ở các khu bảo tồn biển nhẹ hơn các khu vực khác khoảng từ 2 - 3 lần. Một số khu bảo tồn biển rạn san hô ở mức duy trì hoặc có xu hướng tăng nhẹ trong 4 năm gần đây, điển hình như vịnh Hạ Long.
Khi đi thực tế tại vịnh Hạ Long, chúng tôi được ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long thông tin, từ năm 2015, trước tình trạng các rạn san hô bị suy thoái nghiêm trọng, đơn vị đã tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, đánh giá mức độ (xác định vị trí, độ phủ, thành phần loài, mức độ đa dạng sinh học…). Chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu các hệ sinh thái rạn san hô làm cơ sở triển khai các giải pháp bảo tồn. Đào tạo nhân lực chuyên sâu về quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát liên ngành, xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là hành vi xâm hại rạn san hô. Triển khai hoạt động quan trắc, giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô (quan trắc độ phủ, các chỉ số môi trường, chỉ số đa dạng sinh hoc…) để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây đe dọa và triển khai các giải pháp bảo vệ, khôi phục. Triển khai khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt bảo vệ các rạn san hô có độ phủ cao (từ 30% trở lên): Xác định vị trí, độ phủ, thành phần loài, xây dựng cơ sở dữ liệu, lập bản đồ khoanh vùng, đặt các biển cảnh báo, không cho tàu thuyền hoạt động, tăng tần suất kiểm tra địa bàn. Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường nước vịnh Hạ Long, tăng cường kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm, thu gom rác thải trôi nổi, đặc biệt là rác thải tại chân đảo, bãi cát (nơi thường có phân bố rạn san hô).
Nhờ những cách làm quyết liệt, đến nay rạn san hô vịnh Hạ Long đang có dấu hiệu khôi phục tốt, phát hiện những rạn có độ phủ cao (60-70%), có nhiều san hô cành phát triển (nhóm rất nhạy cảm với môi trường, và có nguy cơ bị xâm phạm cao). Đến nay, hoạt động khai thác du lịch lặn biển ở vịnh Hạ Long được quy hoạch và diễn ra bình thường, mang lại việc làm, thu nhập khá ổn cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do địa hình rộng, nhiều đảo nhỏ xen kẽ, lực lượng tuần tra, kiểm soát còn mỏng và ý thức bảo vệ rạn san hô của người dân còn thấp nên hiện tượng xâm hại hệ sinh thái rạn san hô khó kiểm soát.
Theo Đại tá, TS Nguyễn Như Hưng - Phụ trách Giám đốc Chi nhánh Ven biển (Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng), để hoàn thành mục tiêu tăng diện tích bảo tồn biển theo Nghị quyết 36, các địa phương cần có giải pháp tổng thể và tiến hành hết sức khoa học, trách nhiệm của các cơ quan chức năng cùng các lực lượng.
Giải pháp mà TS Nguyễn Như Hưng đưa ra là, các địa phương cần phải đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học và mức độ rạn san hô bị suy thoái. Khoanh vùng, lựa chọn những nơi cần bảo tồn cấp bách và những nơi có nguy cơ cao để thiết lập vùng, khu bảo tồn. Lập dự án và tổ chức bố trí ngân sách bảo tồn theo chiến lược dài hơi thay vì thói làm việc manh mún, nặng về tuyên truyền giải thích xưa cũ. Cần kêu gọi các tổ chức quốc tế chung tay giúp các địa phương có biển bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô, trong đó nổi bật là bố trí nguồn lực tài chính để người dân địa phương thay đổi sinh kế, giảm tối đa hiện tượng đánh bắt hải sản trong các khu bảo tồn hoặc sử dụng các phương tiện mang tính tận diệt.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình người dân tự bảo vệ hệ sinh thái biển, rạn san hô thông qua các câu lạc bộ lặn biển như mô hình câu lạc bộ Sasa ở Đà Nẵng. Về mặt xã hội, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng khắp về vị trí, vai trò và trách nhiệm của mỗi người trong bảo vệ rạn san hô. Huy động người dân tham gia dọn rác đáy biển, trồng, bảo tồn san hô và giao cho họ khai thác những khu biển có san hô và trả phí. Quản lý nghiêm ngặt việc tổ chức hoạt động du lịch, nhất là trong cấp phép khai thác mặt biển và xây dựng các công trình trên biển. Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng lực lượng bảo tồn biển có kỹ năng, kiến thức và phương pháp; đầu tư phương tiện tuần tra, kiểm soát mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, cần quản lý tốt lực lượng tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng thông đồng khai thác hải sản bất hợp pháp ở những khu bảo tồn biển. Trong khai thác du lịch biển, cần xây dựng những bãi san hô nhân tạo, xây dựng công viên dưới nước để thúc đẩy du lịch lặn biển, tạo thu nhập cho người dân địa phương. Từng bước ứng dụng sâu công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm soát, quản lý hoạt động bảo tồn biển, bảo tồn rạn san hô.
Tham khảo tư vấn của nhiều nhà khoa học, chúng tôi nhận được nhiều nội dung đề xuất phục hồi rạn san hô, trong đó có việc tìm giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ và dầu mỡ. Bởi hiện nay, tình trạng ô nhiễm hữu cơ ở gần các khu du lịch, đông dân trải dài từ Bắc vào Nam, như: Cửa Lục, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu... đã vượt mức cho phép, là tác nhân phá hủy rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn. Tiếp tục mở rộng diện tích, thành lập mới các khu vực bảo tồn biển, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái, nhất là các rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, bảo đảm tính toàn vẹn và mối quan hệ tự nhiên giữa các hệ sinh thái đất liền và biển… Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình quản lý Nhà nước có sự tham gia của cộng đồng; khuyến khích các mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất chế biến và tiêu thụ; phối hợp hiệu quả giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp. Kiểm soát chất lượng thủy, hải sản theo chuỗi sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc; đặc biệt về chất lượng giống, thức ăn, thuốc thú y và các chế phẩm sinh học; áp dụng đánh bắt hải sản có giới hạn thông qua kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Bảo tồn hệ sinh thái san hô cũng cần phải có chiến lược cụ thể, trong đó phải gắn với phát triển du lịch, nuôi trồng thủy, hải sản bền vững. Tuy nhiên, mục tiêu chỉ đạt được khi nhận thức của các nhà quản lý về bảo tồn hệ sinh thái biển, bảo tồn hệ sinh thái san hô được thống nhất, giảm dần các hoạt động cấp phép xây dựng lấn biển. Nếu trên dưới đồng thuận và nhân dân ủng hộ thì trong tương lai, sự cân bằng sinh thái biển sẽ trở lại và là nguồn lực lớn phục vụ phát triển kinh tế biển như kỳ vọng của Đảng đặt ra.