Sơn La phát huy hiệu quả nguồn DVMTR

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:28, 06/09/2022

(TN&MT) - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chi trả DVMTR, tỉnh Sơn La đã huy động trên 1.700 tỷ đồng phục vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, tạo thêm việc làm, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống người dân, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Năm 2008, Sơn La là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước thí điểm thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Từ đó đến nay, chính sách DVMTR đã từng bước đi vào thực tiễn đời sống, nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng của người dân, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã thay đổi rõ nét.

a2.jpg

Chi trả DVMTR góp phần quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Theo lãnh đạo Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, tính đến hết năm 2021, Sơn La có 78 cơ sở sử dụng DVMTR, tăng 1,8 lần so với năm 2013, gồm 67 cơ sở sản xuất thủy điện, 5 cơ sở sản xuất, cung ứng nước sạch, 6 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước.

Tổng thu DVMTR giai đoạn 2011-2021 là hơn 1.646 tỷ đồng, bình quân hơn 164 tỷ đồng/năm. Trong đó, 52 nhà máy thủy điện nhỏ lưu vực nội tỉnh đã thực hiện chi trả DVMTR với tổng thu giai đoạn 2011-2021 là hơn 332 tỷ đồng. Trước năm 2020, có một số cơ sở thủy điện nhỏ chậm nộp hoặc nộp không đầy đủ tiền DVMTR. Thông qua các giải pháp đôn đốc, xử lý vi phạm, đến nay, các thủy điện đã cơ bản chấp hành nghiêm quy định, không còn hiện tượng chây ì, chậm nộp tiền DVMTR.

Để nâng cao hiệu quả quản lý, chi trả, sử dụng tiền DVMTR, từ năm 2021, tỉnh Sơn La đã ban hành văn bản đề nghị và được Tổng cục Lâm nghiệp nhất trí cho phép hàng năm bố trí kinh phí từ 3-5 tỷ đồng thực hiện rà soát, thu hồi, cấp đổi, cấp lại GNQSDĐ lâm nghiệp với mục tiêu khắc phục các tồn tại, hạn chế trong quản lý đất đai từ những năm 2000 đến nay.

Công tác chi trả cho các chủ rừng thực hiện nghiêm, với 2.100 chủ rừng là cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị xã hội thuộc bản, đang quản lý trên 350.000ha rừng, đã được chi trả DVMTR 3 năm gần đây từ 100-130 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, các chủ rừng đã sử dụng trên 100 tỷ đồng để đầu tư, sửa chữa, làm mới hơn 7.000 công trình nhà văn hóa, đường giao thông nông thôn, tu sửa lớp học…

a1(1).jpg

Hội nghị tuyên truyền vận động 15 bản của xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn tự nguyện tham gia xây dựng quy chế và sử dụng tiền DVMTR thôn, bản.

Nhằm thực hiện đúng chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, thực hiện giải pháp “Sử dụng hiệu quả kinh phí DVMTR, trọng tâm là nghiên cứu cơ chế khuyến khích các chủ rừng sử dụng tiền từ DVMTR phục vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng”, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR tại thôn, bản. Theo đó, người dân tại các cộng đồng sẽ bàn bạc dân chủ, thống nhất phương án sử dụng tiền theo thứ tự ưu tiên: Chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng; Chi đầu tư cơ sở hạ tầng tại thôn, bản; Chi hỗ trợ các mô hình sinh kế; Chi hỗ trợ nâng cao đời sống nhân dân… Đến nay, đã xây dựng, ban hành 619/198 bộ quy chế, đạt 313% kế hoạch năm 2022.

Hiện nay, tỉnh Sơn La đang tiếp tục từng bước mở rộng đối tượng thu DVMTR sang các đối tượng, loại dịch vụ tiềm năng như các cơ sở kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cơ sở nuôi trồng thủy sản. Phát huy nội lực, vai trò tự quản của các chủ rừng là cộng đồng, tiếp tục tuyên truyền vận động các cộng đồng tự nguyện tham gia xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR tại thôn, bản. Mở rộng các mô hình phát triển sinh kế người dân như mô hình phụ nữ tiết kiệm tự quản từ nguồn tiền DVMTR, các mô hình HTX, chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Đặc biệt, sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xây dựng, triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng tại Thông báo Kết luận số 176/TB-VPCP ngày 17/5/2022 của Văn phòng Chính phủ, tỉnh đang đề xuất với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT về xây dựng, thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các – bon rừng, làm cơ sở triển khai thực hiện.

Nguyễn Nga