Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long hướng tới sản xuất hàng hóa chất lượng cao
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:27, 06/09/2022
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn, chiếm 12% diện tích và 19% dân số của cả nước với nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp. Đây cũng là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp vào 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản.
Theo ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng trước các cơ hội và thách thức đan xen hiện nay, Bộ đã thống nhất cùng với các địa phương, các đối tác phát triển tập trung triển khai đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng. Nền tảng là phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, phát triển các sản phẩm chủ lực như lúa gạo, trái cây, thủy sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao; kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong liên kết vùng.
Bên cạnh đó, vùng đồng bằng cũng sẽ thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu của chuỗi sản xuất, đảm bảo đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến đào tạo tập huấn, nâng cao hiệu quả và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Các trung tâm cơ giới hóa vùng cũng được phát triển theo hướng xã hội hóa - là nơi chuyển giao, cung ứng máy, thiết bị, tập trung phát triển các ý tưởng, thiết kế, sáng tạo khởi nghiệp về cơ giới, công nghệ cơ giới và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Khu vực này cũng sẽ có các trung tâm logistics, trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, dịch vụ tiêu thụ nông sản của cả Vùng và cả nước như: Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; Trung tâm liên kết về thủy sản nước ngọt, trái cây, lúa gạo vùng sinh thái nước ngọt tại An Giang, Đồng Tháp; Trung tâm liên kết về thủy sản khu vực ven biển ở Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Trung tâm liên kết về trái cây, rau màu ở Tiền Giang, Bến Tre.
Thực tế cho thấy, những năm qua, ĐBSCL cũng đã chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, giảm diện tích đất trồng lúa và chuyển sang cây có giá trị cao hơn, điển hình là cây ăn quả, cùng với nuôi trồng thủy sản. Trong mỗi tiểu ngành cũng đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn kết nông dân – doanh nghiệp và phát triển nhiều mô hình tốt thích ứng hơn với biến đổi khí hậu.
Theo bà Khúc Thị Lan Hương, đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam, viêc hợp tác giữa các cơ quan chính phủ và các đối tác phát triển rất quan trọng. Các đối tác cần nắm được nhu cầu của Chính phủ trong chương trình chuyển đổi bền vững ĐBSCL để thiết kế các dự án hỗ trợ phù hợp, từ đó, tối đa hóa lợi ích của các nguồn lực hỗ trợ. Riêng ADB hiện đang xây dựng một số dư án tại ĐBSCL, bao gồm: Cải tạo, phục hồi và bảo vệ bền vững rừng ven biển; hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu; kết nối giao thông thích ứng BĐKH. Hai yếu tố mấu chốt để có cách tiếp cận hiệu quả là dựa trên thực tế (có các nghiên cứu một cách khoa học) và quy hoạch tổng thể, làm cơ sở chuẩn bị cho các hoạt động đầu tư và triển khai các hoạt động sau này.
Tại tọa đàm, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và đối tác phát triển đã cùng trao đổi, thảo luận về hướng phát triển và quy hoạch hạ tầng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung vào những giải pháp về tiếp cận phát triển nông nghiệp bền vững; tài nguyên nước; logistics. Qua đó, chỉ ra nhu cầu kết nối đầu tư để cùng khai thác các thế mạnh của vùng một cách toàn diện. Theo ông Cornelis Theodorus VAN BAAR – Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Chính phủ Hà Lan vẫn duy trì những cam kết mạnh mẽ trong việc hợp tác với Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân, các tổ chức khoa học để có thể đảm bảo vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. Trong đó, có hợp tác chặt chẽ về nông nghiệp sinh thái; phát triển giao thông, logistics cũng như các trung tâm kinh doanh nông nghiệp; công tác quản lý nguồn nước trong đó có vấn đề cải thiện chất lượng tài nguyên nước…
Để làm được việc này, theo ông Cornelis Theodorus VAN BAAR, cùng với quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Cửu Long, những quy hoạch tích hợp sẽ là cơ sở nền tảng vững chắc để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của khối tư nhân cũng như sự hợp tác công - tư, hợp lực để chuyển đổi nông nghiệp bền vững đồng bằng sông Cửu Long.