Trao vòng đời mới cho rác

Môi trường - Ngày đăng : 17:24, 06/09/2022

(TN&MT) - Rác thải sẽ chỉ là rác nếu chúng bị trộn lẫn với nhau. Rác thải sẽ trở thành tài nguyên nếu chúng được phân loại đúng cách.

Một đất nước văn minh hay không cứ nhìn vào thùng rác là thấy, điều đó có lẽ không sai. Phân loại, tái chế rác thải được xem là tiêu chí của một xã hội văn minh. Trong khi nhiều nơi trên thế giới đã đạt ngưỡng tái chế chất thải lên đến 99%, nhưng ở nước ta, việc phân loại rác thải vẫn không hiệu quả! Theo tính toán, Việt Nam mới chỉ tái chế rác thải được gần 10% và nhiều năm nay, chúng ta vẫn chưa vượt qua “cái bóng” giới hạn này.

unnamed_28.jpg
Phân loại, tái chế rác thải được xem là tiêu chí của một xã hội văn minh

Thói quen “sạch nhà bẩn ngõ” đã đi vào nếp sống của nhiều người dân. Thực tế trước đây, chúng ta từng có lộ trình thu gom, phân loại rác thải. Tuy nhiên, giữa chính sách với kinh phí đầu tư thực hiện, trình độ nhận thức của người dân, người làm công tác thu gom xử lý… còn chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến thu gom, xử lý chưa thật sự hiệu quả.

Đến nay, một số địa phương trên cả nước đang thực hiện những dự án phân loại rác thải tại nguồn, song, nhìn chung mới chỉ nhỏ lẻ, không đồng bộ và thiếu định hướng. Còn lại các hộ gia đình trong cả nước chưa được trang bị thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. Bên cạnh đó, cộng đồng rộng lớn chưa nhận thấy những lợi ích của phân loại rác thải tại nguồn. Số lượng doanh nghiệp tham gia áp dụng sản xuất sinh học chưa nhiều.

Nhìn vào số lượng bãi rác trên cả nước sẽ thấy vô số những bất cập đó. Hiện, 95% rác thải được chôn lấp ở các bãi chứa thải. Trong khi tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh, tài nguyên đất ngày càng khan hiếm, nếu tồn tại những bãi rác chôn lấp hở và thiếu thốn các giải pháp hạn chế ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, chắc chắn sẽ còn “phong trào” chặn xe vào bãi rác như một sự phản kháng tất yếu xảy ra.

Rác thải là cả một câu chuyện dài của người Việt. Phải thừa nhận, so với vài chục năm trước đây, thái độ, nhận thức của chúng ta về rác thải sinh hoạt đã thay đổi nhiều. Nhìn từ các chính sách pháp luật đã có của nước ta về bảo vệ môi trường, thấy rằng, quy định hiện hành xử phạt người không phân loại rác từ nguồn được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022 là một bước đi rất quan trọng. Mới đây nhất, từ ngày 25/8, Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường chính thức có hiệu lực. Theo đó, xử phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định. Người dân phải chia rác theo 3 loại gồm rác tái chế, tái sử dụng; rác thực phẩm; các loại chất thải rắn khác.

Rõ ràng, chúng ta đã có công cụ mạnh mẽ, có lộ trình trong tay, nhưng để cụ thể hóa bước đi đó, cần rất nhiều nỗ lực và quyết tâm hơn, cần vừa động viên hướng dẫn vừa cưỡng chế thực thi, mới có thể rút ngắn quá trình dịch chuyển và thay thế công nghệ xử lý rác thải, trước khi chúng ta kiệt sức vì trả giá cho môi trường. Dịch chuyển nào cũng cần bắt đầu từ nhận thức và ý thức. Vì sao rác là tài nguyên và cần làm gì để rác trở thành tài nguyên, cần trở thành nhận thức của số đông, chứ không chỉ dừng lại ở tư duy của nhà quản lý.

Ý thức là thứ khó suy chuyển, nhưng những chế tài mạnh mẽ kết hợp với việc tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu” vẫn có thể hình thành thói quen tốt và tạo nên sự thay đổi tích cực trong tương lai.

Phương Anh