Phân loại rác tại nguồn - những kỳ vọng mới: Lối đi mới trên con đường cũ
Môi trường - Ngày đăng : 17:22, 06/09/2022
Xóa bỏ hay khôi phục?
Như trên đã dẫn, các mô hình, chương trình phân loại rác hoặc đã chìm xuồng, hoặc loay hoay với nguyên tắc 3 - 2 - 3, hoặc “bán non” sản phẩm phân loại, hoặc đánh trống bỏ dùi...
Tuy nhiên, cần phải khẳng định, tất cả các mô hình, chương trình đều xuất phát từ một mục đích rất tốt đẹp, đó là hướng đến mục tiêu phân loại để giảm rác, giảm thải bỏ, tăng tái chế. Ít nhất, tất cả các chương trình đó đều đã đặt những bước chân đầu tiên vào con đường phân loại rác. Rõ ràng, không có hành trình nào không bắt đầu từ vạch xuất phát, và cũng không có mô hình, chương trình nào không trải nghiệm những khó khăn, cũng như không ai có ngay câu trả lời sẽ thành công. Đồng thời, nếu nhìn ở hướng tích cực, có thể rút ra từ đó nhiều bài học để khắc phục hạn chế và phát huy điểm mạnh cho các hoạt động, mô hình, chương trình sau, hoặc tái khởi động, làm mới mô hình và tiếp tục hành trình mới.
Và không phải mô hình nào cũng chết yểu nếu ở đó có sự nghiên cứu kỹ đối tượng thực hiện, tuyên truyền rõ về lợi ích, bền bỉ với những mục tiêu đặt ra, khắc phục những vướng mắc trên hành trình để duy trì. Phân loại rác ở Đông Anh (Hà Nội) là một điển hình.
Khởi phát từ tháng 2/2021 với mục tiêu Sống Xanh từ nhà ra ngõ, ban đầu, chương trình gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Song, đội nòng cốt đã kiên trì bám địa bàn, thuyết phục và thực hành làm gương; kêu gọi sự vào cuộc của các hội, tổ chức, cá nhân; hướng dẫn, theo sát kiểm tra tiến độ của từng hộ gia đình, thảo luận, trao đổi những khó khăn vướng mắc để cùng tìm ra cách giải quyết… Tính đến tháng 6/2022, đã có 24 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà, với hơn 10.000 người dân tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ. Báo cáo cuối năm 2021 của Phòng TN&MT huyện Đông Anh cho thấy, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 - 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh năm 2021 giảm so với năm 2020 khoảng hơn 12 tấn/ngày.
Có thể nói, Đông Anh đang thắp lên một đốm lửa sống xanh từ thực hiện phân loại rác để những Ba Vì, Sơn Tây, Gia Lâm, Đan Phượng, Thạch Thất, Long Biên (Hà Nội)... hay các quận, huyện vùng nông thôn, vùng ven đô thị, một số địa phương có hình thái bố trí dân cư tương tự học tập và áp dụng trên địa bàn mà không phải mày mò tìm một lối đi.
Hy vọng từ những đổi thay
Với 6 Điều quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 về phân loại rác, theo đó, nhiều nội dung mới liên quan tới việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt được truyền thông mạnh mẽ tới từng hộ gia đình, trong đó “bắt đầu thu phí rác thải dựa theo khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại” và “không phân loại rác sẽ bị từ chối thu gom” là hai nội dung nổi bật.
Sau Nghị định 45 ban hành kèm theo Luật, hiện các cơ quan thực thi và người dân cũng đang mong chờ những hướng dẫn cụ thể từ Thông tư. Sử dụng túi rác để cân, đo thể tích và phân loại rác cũng như áp giá mới mang lại kỳ vọng về một thay đổi minh bạch hơn. Ngay cả giờ thu gom rác cũng sẽ phải có quy định khung giờ hợp lý. Đặc biệt, chế tài xử phạt có tác động khá lớn đến người dân cả khi chưa áp dụng. Địa phương cũng khá quan tâm trong việc ràng buộc trách nhiệm cá nhân với chính quyền…
Trong một hội thảo bàn về phân loại rác mới đây, ông Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam cũng đã đề xuất 4 nhóm giải pháp có thể áp dụng, triển khai phân loại rác. Cụ thể: Xây dựng lộ trình phân loại phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; Hoạt động phân loại tại nguồn phải đồng bộ với quá trình cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt; Chính sách phân loại cần có quy định cụ thể hơn về lợi ích kinh tế của chủ nguồn thải, từ đó sớm thực hiện thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác theo khối lượng hoặc thể tích phát sinh và phải đặt ra lộ trình thực hiện; Nhà nước cần ban hành chính sách quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các thành phần tham gia trong hoạt động PLRTN, bao gồm truyền thông, chính quyền địa phương, đơn vị cung ứng dịch vụ, tổ chức doanh nghiệp và chủ nguồn thải.
Lắng nghe để điều chỉnh, đó là thông điệp rất rõ ràng từ Bộ TN&MT và các cơ quan ban hành văn bản. Và như vậy, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những điều tốt đẹp làm thay đổi ý thức, điều chỉnh hành vi, từ đó, hình thành thói quen của người dân thông qua ràng buộc trách nhiệm đi đôi với lợi ích trong sự giám sát chặt chẽ của pháp luật với các quy định, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đồng bộ và linh hoạt. Từng bước, vướng ở đâu gỡ tới đó, những mảnh ghép nào ở địa phương nào chưa chuẩn sẽ gỡ ra ghép lại, đến khi nào hoàn chỉnh bức tranh phân loại rác trên toàn quốc, lúc đó, câu chuyện xử lý rác thải thông minh sẽ bước sang chương mới.